Cụ thể, dự án "Giải pháp nền nông nghiệp xanh" (ECO-HOUSE) của nhóm sinh viên Hồ Thanh Huy (sinh viên năm 4 khoa Công nghệ điện tử), Trần Thị Trâm (năm 3 khoa Thương mại du lịch) và Lê Hoàng Minh Châu (năm 4 khoa Quản trị kinh doanh), dưới sự hướng dẫn của thạc sĩ Thái Duy Tùng (giảng viên khoa Tài chính ngân hàng), đã vượt qua hơn 500 dự án trên toàn quốc để lọt vào tốp 50 khối sinh viên. ECO-HOUSE trở thành 1 trong 5 dự án đoạt giải nhất khối sinh viên của cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ V.
Hồ Thanh Huy, trưởng nhóm dự án, chia sẻ: "Do xuất thân từ miền Tây nên tụi em mong muốn mang đến cho nhà nông ở đây các giải pháp công nghệ phù hợp, giúp bà con ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần mở điện thoại là có thể giám sát được các chỉ số quan trọng như nhiệt độ, độ ẩm, lưu lượng nước và hàm lượng dinh dưỡng trong đất, hàm lượng N-P-K, độ pH... Từ đó nhận biết vấn đề bất thường và chủ động cảnh báo xử lý kịp thời, giảm thiểu rủi ro cho nhà nông".
Theo Huy, dự án này xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong nông nghiệp (IoAT) hỗ trợ nhà nông, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, tiết kiệm điện, nước và nhân công.
"Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" tương ứng với 3 nhóm giải pháp giải quyết những yếu tố về nước, phân hay chăm sóc cây trồng toàn diện như hệ thống tưới tiết kiệm nước, giải pháp giám sát dinh dưỡng cây trồng, giải pháp toàn diện cho cây trồng và cuối cùng là đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm "nông sản sạch không sợ minh bạch" giúp được bà con nhà nông nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá.
"Chuyển đổi canh tác thông thường sang canh tác thông minh dựa trên công nghệ mới IoAT với đa dạng giải pháp, cũng sẽ có nhiều mức giá phù hợp với tài chính của từng nhà vườn. Đội ngũ sẽ đồng hành cùng bà con nhà nông kết nối kỹ sư nông nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm", Huy bày tỏ.
Thạc sĩ Thái Duy Tùng nhìn nhận: "Ứng dụng công nghệ IoT (internet vạn vật) trong hệ thống trang trại thông minh cũng khá phổ biến những năm gần đây. Điểm tạo ra sự khác biệt của đề tài là đi sâu khám phá nhu cầu, tập quán canh tác của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai trong 3 thành viên của nhóm là người con của miền Tây, thấu hiểu nỗi vất vả của ba mẹ, làng xóm mình, và câu chuyện của các bạn thực sự truyền cảm hứng".
Theo thạc sĩ Tùng, dự án về nông nghiệp xanh này có sự cân bằng về yếu tố kỹ thuật cũng như mô hình kinh doanh. "Câu chuyện, vấn đề, giải pháp nếu đứng riêng rẽ thì cũng đã gặp ở đâu đó, trong nhiều cuộc thi về sáng tạo khoa học công nghệ, nhưng nhóm đã đi sâu khai thác thị trường mục tiêu và tiến hành thử nghiệm tại nhiều khu vực, cùng với sự giúp đỡ của những người có chuyên môn về nông nghiệp. Bản thân các em cũng đã tự nghiên cứu về tính chất của đất, cây trồng... nhằm phục vụ tốt nhất cho tính thực tiễn của giải pháp", thạc sĩ Tùng chia sẻ thêm.
Bình luận (0)