Sinh viên được đào tạo dạy tích hợp ra sao ?

27/09/2022 08:00 GMT+7

Sắp tới đây, lực lượng giáo sinh các ngành tích hợp sư phạm khoa học tự nhiên và lịch sử - địa lý sẽ ra trường giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đào tạo nhân lực các ngành học mới này có đáp ứng yêu cầu thực tiễn?

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ở bậc THCS sẽ không có các môn vật lý, hóa học và sinh học mà thay bằng môn học mới: Môn khoa học tự nhiên (KHTN) - được xây dựng và phát triển trên nền tảng của các môn khoa học vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất. Môn lịch sử và địa lý trở thành môn học bắt buộc dạy từ lớp 6 - 9, nội dung môn học sẽ giáo dục học sinh về lịch sử, địa lý, đồng thời tích hợp các kiến thức cơ bản về kinh tế, văn hóa, tôn giáo…

Học 9 - 10 nhưng đi dạy chỉ dùng 2 - 3

Năm 2019 là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bắt đầu đào tạo chuyên ngành sư phạm KHTN. Các sinh viên (SV) đang theo ngành KHTN cho biết lượng kiến thức được học đã đủ để đi dạy, nhưng khi thực tập lại phát sinh một số vấn đề.

Huỳnh Thị Ngọc Trâm, SV năm 2 ngành sư phạm KHTN Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “SV học tập trung 3 phân môn vật lý, hóa học, sinh học (trong môn tích hợp KHTN) có phần gây cản trở trong quá trình học tập vì một số câu hỏi phải dùng kiến thức chuyên ngành và phép toán nâng cao mới làm được”.

Dù vậy, Ngọc Trâm vẫn nghĩ rằng lượng kiến thức đang học tại trường ĐH sẽ đáp ứng đủ cho chuyên môn giảng dạy sau khi ra trường.

Sinh viên sư phạm trong đợt thực tập tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q.Tân Bình, TP.HCM

NVCC

Đồng quan điểm này, N.V.Q, SV năm 3 ngành sư phạm KHTN Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Chương trình đào tạo giảng dạy môn tích hợp khá mới mẻ, phù hợp với nội dung yêu cầu của cấp THCS và cao hơn. Các giảng viên cũng thường nói lượng kiến thức mà chúng tôi học là 9 - 10 nhưng khi ra dạy chỉ dùng khoảng 2 - 3”.

Theo V.Q, chương trình đào tạo sư phạm KHTN phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhưng cũng gây cản trở không ít. "Nếu là SV thì họ chỉ có thể giỏi 1 hoặc 2 môn trong 3 phân môn vật lý, hóa học và sinh học, tệ hơn là chỉ giỏi 1 môn, dẫn đến việc khó khăn trong quá trình học cũng như giảng dạy sau này”, V.Q nhận định.

Là SV khóa đầu tiên của chương trình đào tạo sư phạm KHTN, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Đỗ Gia Phong nhận định: “Nội dung chương trình đào tạo thể hiện được sự tích hợp một cách rõ ràng. Kiến thức khoa học được đào tạo trong quá trình học tại ĐH đủ đáp ứng cho một SV có thể giảng dạy môn KHTN sau này”.

Tình huống bất ngờ khi thực tập

Hoàn thành khóa thực tập đợt 1, Nguyễn Hoàng Duy, SV ngành sư phạm KHTN Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: “Vì là khóa đầu tiên nên chương trình giảng dạy mình được học chỉ là thử nghiệm, còn rất nhiều bất cập trong khối lượng kiến thức của các học phần nên khối lượng kiến thức còn khá nặng. Bên cạnh đó, các học phần về phương pháp dạy học vẫn chưa có sự thống nhất theo hướng tích hợp các môn học và chủ đề”.

Duy kể lại một tình huống khá bất ngờ khi thực tập: “Hôm đó tôi được nhờ dạy thay cho một giáo viên bị bệnh. Khi mình hỏi lớp đang học tới bài nào thì học sinh nói tuần trước cô chỉ cho ghi bài nhưng chưa dạy. Tôi xem qua nội dung bài ghi thì phát hiện đó là nội dung của chương trình cũ môn vật lý 6, chứ không phải của môn KHTN hiện hành. Từ đó, tôi thấy hiện tại chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, phần nào ảnh hưởng đến kiến thức của học sinh”.

Theo Hoàng Duy, chương trình tích hợp vẫn chưa thể hiện rõ hết tính thực tế của môn học dù vẫn có các hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM.

Liên kết giữa các phân môn chưa thật sự rõ ràng

Tương tự, năm 2019 cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển sinh các SV cho ngành sư phạm lịch sử - địa lý. SV chuyên ngành cũng nhận định tốt về chất lượng đào tạo nhưng lại chọn học thêm một chuyên ngành khác để tăng cơ hội việc làm.

Hồ Thanh Tú, SV khóa đầu tiên ngành sư phạm lịch sử - địa lý Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cho rằng với lượng kiến thức môn tích hợp được học tại trường ĐH, Thanh Tú cảm thấy đã đủ cho chuyên môn để giảng dạy khi ra trường. “Tôi đang học thêm chuyên ngành sư phạm ngữ văn vì nghĩ 3 môn văn, sử, địa có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Chương trình tích hợp đã triển khai được 2 năm nhưng lượng giáo viên được đào tạo chính quy vẫn chưa có nên gây ra tình trạng thiếu giáo viên. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng cơ hội việc làm của mình sau khi ra trường là rộng mở”, Thanh Tú bộc bạch.

Chuẩn bị cho đợt thực tập vào học kỳ 2, nam sinh cũng bày tỏ một chút lo lắng về điểm hạn chế ở kiến thức môn tích hợp. “Dù nói rằng dạy tích hợp nhưng chung quy vẫn là dạy riêng lẻ từng môn, mối liên kết giữa các phân môn chưa thật sự rõ ràng. Các kiến thức này cũng chỉ là nền tảng, vấn đề nằm ở việc học sinh sẽ phải tự học là chủ yếu. Đối với lứa tuổi THCS thì tôi cảm thấy đây là một vấn đề lớn và cần phải được cải thiện nhiều hơn”, Thanh Tú bày tỏ quan ngại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.