“Hãy thả lỏng cơ thể, gỡ bỏ mọi phán xét và nỗi sợ bị phán xét. Ở đây, các em được là chính mình, được sống thật với cảm xúc của mình”, đó là lời giới thiệu của giảng viên lớp học, chị Nguyễn Lan Anh.
Sự dẫn dắt dí dỏm, gần gũi của cô giáo khiến các bạn trẻ bật cười. Như một đám trẻ con hiếu động, họ tự giới thiệu, vỗ tay, gọi tên nhau, nhại vui những hành động, tư thế tinh nghịch của nhau, chia nhóm chơi trò chơi, nhảy múa với bóng bay theo điệu nhạc… Mọi e dè, bẽn lẽn nhanh chóng bốc hơi, nhường chỗ cho sự tự tin và tinh thần đồng đội.
|
“Lúc đầu em không có hình dung hay kỳ vọng cụ thể gì về chương trình, nhưng khi tham gia thì bất ngờ. Đúng như cái tên “Nghịch”, chúng em như trở lại tuổi thơ của mình với những trò chơi thật ngớ ngẩn, hồn nhiên, nhưng trong sáng. Tham gia chương trình, chúng em được quen biết nhiều bạn mới, được nghe những chia sẻ của mọi người”, sinh viên Trường Giang chia sẻ.
Sau 3 tiếng chơi hết mình, gương mặt chàng sinh viên năm thứ 2 sáng bừng, mồ hôi ướt đẫm nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Xung quanh Giang, các bạn trẻ đều cười thả ga, căn phòng nhỏ đầy ắp không khí vui vẻ, hòa đồng, Giang cho biết nhờ những hoạt động này, nhiều bạn trước đó không hề quen biết, chỉ sau một lúc đã ít nhiều hiểu được cá tính của nhau, thoải mái ôm vai bá cổ tham gia những trò chơi tập thể.
Không ít sinh viên thú nhận, dù đã bước vào trường khá lâu nhưng chưa quen hết bạn bè, hay vẫn giữ khoảng cách với các bạn; thời gian rảnh họ gần như “dính” vào chiếc máy tính, với những trò chơi điện tử. Chỉ qua 3 tiếng trong lớp học ngộ nghĩnh này, mọi khoảng cách dường như đã biến mất, thói quen dính với những món đồ công nghệ cũng bị gỡ bỏ, chỉ còn lại sự vui tươi, thoải mái.
Hài lòng với những phản ứng tích cực của sinh viên về “Nghịch”, anh Bùi Hoàng Dũng (Cán bộ Phòng phát triển cá nhân ĐH FPT) tiết lộ, đây là một phần trong chuỗi hoạt động thuộc dự án nghệ thuật ứng dụng nhằm phát triển kỹ năng sống cho sinh viên.
“Mỗi trò chơi, hoạt động trong chương trình đều có những ý nghĩa cụ thể, có tác dụng phát triển những kỹ năng con người như luyện tập sự tập trung, kỹ năng giao tiếp bằng mắt, khích lệ người tham gia cởi mở, chấp nhận người khác, thể hiện bản thân, tôn trọng mình và tôn trọng sự khác biệt của những người xung quanh… Chương trình được thiết kế với mong muốn tạo một cầu nối đưa các bạn trẻ đến với chất liệu nghệ thuật ứng dụng, dùng nghệ thuật để phát triển con người, một phương pháp giáo dục còn khá mới mẻ ở Việt Nam”.
Trước những phản ứng tích cực của sinh viên, anh Hoàng Dũng cho biết, nhà trường sẽ có nhiều hoạt động như khóa học thể hiện bản thân, các dự án nghệ thuật sân gần gũi, đậm chất sinh viên như “Sướng”, “Mỗi khi tôi thấy chán”, “Ngốc nghếch”, “Hâm hấp”… Tất cả đều nhằm bứt các bạn trẻ ra khỏi không gian học tập và sinh hoạt thường ngày, truyền cảm hứng cho những ý tưởng mới lạ, tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho sinh viên.
Nguyễn Quỳnh
>> Sinh viên thanh lịch
>> Cuộc thi duyên dáng sinh viên
>> Xử nghiêm sinh viên “học giả, điểm thật”
>> Cơ hội việc làm cho sinh viên
>> Sinh viên Đà Nẵng tỏa sáng tài năng
>> Sinh viên hào hứng với chương trình biển đảo Tổ quốc
>> Hội trại Sinh viên Việt Nam: Hành quân ra quê hương Hải đội Hoàng Sa
Bình luận (0)