Ngô Thị Thanh Vân, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ ca làm đêm phục vụ ở quán cà phê bắt đầu từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ. Tuần đầu tiên, Thanh Vân thử việc không lương. Sau đó, mỗi giờ làm Vân nhận được 20.000 đồng.
“Làm đêm mệt lắm, khách vào thì bán hàng, thanh toán, lúc vắng khách phải tranh thủ sắp xếp, kiểm kê, rà soát hạn sử dụng hàng hóa, quản lý hàng tồn. Mình phải làm việc liên tục. 6 giờ, mình trở về ký túc xá để vệ sinh cá nhân, thay quần áo và lên giảng đường luôn. Lúc đầu chưa quen với nhịp làm việc nên mình luôn cảm thấy mệt mỏi, thậm chí có hôm ngủ gật trong giờ học”.
Khi được hỏi có biết đến quy định mức lương được trả khi làm việc ca đêm hay không? Thanh Vân tỏ ra khá bất ngờ. Vân cũng không biết có quy định này.
“Không ngờ, mỗi giờ làm việc vất vả của mình vào ban đêm nhận được số tiền thấp hơn quy định tối thiểu”, Vân nói.
Lê Huỳnh Quang Minh, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đang làm ca đêm cho một quán cà phê tại làng đại học Thủ Đức được trả 18.000 đồng/giờ. Quang Minh cho biết không hề biết về quy định của Chính phủ liên quan đến mức lương được trả khi làm việc ban đêm.
“Lúc được nhận vào làm, mình chỉ nghĩ rằng đây là một mức lương ổn, cao hơn so với ca ngày. Mình làm ca đêm được 2 tháng, thường bắt đầu từ 22 giờ đến 6 giờ. Làm ca đêm thoải mái, từ 0 giờ trở đi, cửa hàng bắt đầu vắng khách, nhân viên cũng không phải bận rộn nhiều. Mỗi ngày chỉ cần sáng ngủ đủ 6 tiếng đồng hồ thì chiều và tối có thể vừa học, vừa làm mà không thấy mệt”, Quang Minh chia sẻ.
Đêm xuống, Nguyễn Quốc Bảo (23 tuổi), ngụ tại 975 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp (TP.HCM) lại bắt đầu ngày làm việc mới của mình ở kho hàng của một sàn thương mại điện tử. Quốc Bảo vào ca làm lúc 21 giờ, kết thúc lúc 5 giờ. Mỗi ca làm việc, Quốc Bảo được trả tiền công 220.000 đồng.
“Công ty mình làm có 2 ca làm việc ngày và đêm. Mức lương của 2 ca như nhau, ai thích làm giờ nào thì cứ đăng ký. Công việc mình làm là xếp hàng lên kệ và phân loại sản phẩm từ nhà sản xuất. Sáng sớm tan ca thì về nhà ngủ cho đủ giấc, để chiều đi làm thêm công việc khác nữa”, Quốc Bảo nói.
Luật sư Trần Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM mong rằng người lao động cần biết Bộ luật Lao động và các quy định liên quan đến làm việc ban đêm để có thể tự bảo vệ cho quyền lợi của mình trước những bất lợi tiềm ẩn, đảm bảo nhận được khoản lương cũng như lợi ích xứng đáng được hưởng.
Theo Điều 56, Nghị định 145/2020 quy định người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. Bên cạnh đó, người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
“Người lao động nên xem lại hợp đồng của mình để đảm bảo nhận được khoản thù lao xứng đáng khi làm việc vào ca đêm. Nếu người lao động cho rằng họ không nhận được khoản thu nhập theo quy định của pháp luật khi làm việc vào ban đêm, họ nên thảo luận vấn đề trực tiếp với người giám sát hoặc bộ phận nhân sự để làm rõ và giải quyết”, luật sư Trần Anh Tuấn cho biết.
Theo luật sư Trần Anh Tuấn, tại khoản 1, Điều 3, Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu theo giờ ở vùng I là 22.500 đồng/giờ. TP.HCM thuộc vùng I. Như vậy, mức tối thiểu mà các cơ sở kinh doanh phải trả cho sinh viên làm thêm giờ là từ 20.000 đến 22.500 đồng/giờ. Trường hợp bị trả lương thấp hơn so với mức lương tối thiểu giờ, sinh viên cần mạnh dạn trình bày, trao đổi với người sử dụng lao động trực tiếp về việc điều chỉnh mức thù lao hợp lý và phù hợp với quy định pháp luật.
“Khi đi tìm việc làm, sinh viên cần lựa chọn làm việc cho các cơ sở kinh doanh, cửa hàng, nhà hàng hoặc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, có chính sách rõ ràng trong việc chi trả thù lao cho sinh viên làm việc nhằm giảm thiểu rủi ro về lao động”, luật sư Trần Anh Tuấn lưu ý.
Bình luận (0)