Mới đây Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao các bộ nghiên cứu bổ sung quy định quản lý việc làm thêm của sinh viên, đặc biệt là làm tài xế công nghệ nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng phát triển kinh tế tri thức.
Cần thiết quản lý việc làm thêm của sinh viên vì một khi sinh viên bị cuốn vào công việc làm thêm và kiếm được khá nhiều tiền, từ đó “cơn say tiền” sẽ khiến sinh viên khó lòng mà dứt ra được. Hậu quả là sinh viên kiếm được nhiều tiền nhưng cũng tốn nhiều tiền để … học lại, thậm chí nghỉ học luôn để đi làm vì suy nghĩ đơn giản “không cần bằng đại học cũng có việc làm tốt”.
Bản thân tôi đã gặp khá nhiều sinh viên như vậy.
Trốn học đi làm thêm để kiếm tiền học lại
Có một nữ sinh viên lớp tôi đang dạy đã xin tôi cứ đến 9h45 phút sáng là cho bạn được về để đi làm thêm ở một quán ăn Hàn Quốc.
Sinh viên này kể nhà khó khăn lắm, ba mẹ không thể lo nổi chi phí để em đi học nên em phải đi làm thêm để kiếm tiền trang trải chi tiêu. Nghe sinh viên kể, tôi vừa thương vừa phục tinh thần vượt khó nên đồng ý ngay, thậm chí còn hứa sẽ không trừ điểm chuyên cần của bạn, miễn là lúc đi học bạn tích cực trong làm việc nhóm.
Về sau tôi mới biết nhà sinh viên này không hề khó khăn như bạn kể, ba là công an, mẹ là giáo viên nhưng bạn lại muốn làm thêm nên với thầy cô nào bạn cũng kể câu chuyện khó khăn giả đó để được thông cảm, cho nghỉ mà không bị trừ điểm.
Kết quả của những ngày mải mê cắt xén giờ học để đi làm thêm đó là sinh viên bị rớt môn, phải học lại. Do đó tiền kiếm được lại phải dành để nộp học phí lần 2. Tôi thường kể câu chuyện này với những bạn sinh viên khác kèm theo lời bình luận: trốn học đi làm thêm để kiếm tiền học lại như vậy thì chẳng thà làm ít còn tốt hơn!
Bỏ học đi làm, khi cần bằng mới quay lại trường
Có sinh viên ngành chăn nuôi thú y ngay từ năm đầu tiên đã đi làm thêm ở trại. Công việc vừa phù hợp với chuyên môn lại kiếm được tiền nên bạn bị cuốn vào nó. Đến năm cuối do công việc ở trại nhiều cần người làm nên sinh viên này nghỉ học đi làm luôn với suy nghĩ đơn giản: đang làm đúng chuyên môn mà người ta không đòi bằng đại học thì nghỉ học cũng không sao.
Nhưng sau một năm làm việc toàn thời gian ở đây, vì năng lực chuyên môn tốt nên công ty muốn bổ nhiệm vào chức vụ quản lý. Lúc này công ty yêu cầu sinh viên phải có bằng tốt nghiệp đại học. Vậy là lãnh đạo công ty động viên bạn quay lại trường học tiếp, tạo điều kiện để bạn được vắng một số buổi nhưng vẫn phải đảm bảo công việc. Kết quả là bạn dù đã hiểu ra giá trị của tấm bằng đại học nhưng vừa đi học vừa đi làm mà việc công ty thì nhiều nên học chẳng được bao nhiêu, chỉ hy vọng đủ điểm qua môn là mừng rồi.
Khi trao đổi với tôi, sinh viên này mới nhận ra rằng: "Bây giờ em đã thấy tấm bằng đại học có ý nghĩa như thế nào rồi. Nếu năng lực tốt mà thiếu bằng đại học thì thiệt thòi lắm".
Vấn đề ở đây không phải là bằng cấp cần thiết hay không mà sinh viên nên xác định rõ làm thêm bao nhiêu, mức độ nào là hợp lý và đâu là nhiệm vụ quan trọng của mình trong từng giai đoạn.
Bình luận (0)