Sở dĩ chọn các loại thảo mộc làm đề tài nghiên cứu vì nhóm cho rằng trà là loại dược liệu gần gũi với đa số người dân, có nhiều chức năng và ứng dụng vào cuộc sống.
Hương Giang cho biết không nhớ bao nhiêu lần nghiên cứu thất bại, hỏng rồi làm lại, cứ thế điệp khúc nghiên cứu lại kéo dài gần 1 năm. Khi vừa hoàn thành xong công thức thì dịch Covid-19 ập đến, nhóm sinh viên rời phòng thí nghiệm và phải nghiên cứu trực tuyến ở nhà.
Theo Thanh Ngân, sản phẩm trà hòa tan tiêu độc dựa trên các nghiên cứu về khả năng kháng viêm, chống ô xy hóa của 5 loại dược liệu gồm: kim ngân hoa, bồ công anh, ké đầu ngựa, thổ phục linh, sinh địa. Từ các loại dược liệu này, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng quy trình điều chế trà hòa tan tiêu độc. Các loại dược liệu trước khi đưa vào nghiên cứu được tiến hành kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V và cho kết quả đạt chuẩn.
Trà tiêu độc dạng hòa tan này còn có công dụng như: thanh lọc cơ thể, mát gan, giải độc, trị mụn nhọt, tiêu viêm, kháng khuẩn. Đặc biệt, những hợp chất polyphenol trong trà có tác dụng làm chậm quá trình ô xy hóa bởi các gốc tự do trong tế bào, giảm cholesterol trong máu, ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư…
Quy trình được tiến hành thông qua các bước như: chiết cao bằng phương pháp chiết nóng, đánh giá hàm lượng chất chiết được và đánh giá hàm lượng polyphenol toàn phần của cao chiết trong những mốc thời gian xác định. Sau đó tiến hành đánh giá độc tính cấp và khả năng kháng viêm thông qua ức chế NO của cao chiết tổng, điều chế và kiểm nghiệm trà hòa tan.
Dự án sáng tạo và cho ra đời loại trà thảo mộc hòa tan tiêu độc xuất sắc giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp. Có thể kể: giải nhất cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021; giải nhất cuộc thi truyền thông dự án Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo năm 2021; giải ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học lần 1 năm 2022.
Gần đây, sản phẩm được chuyển giao công nghệ, đưa ra thị trường như nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hóa mỹ phẩm…
Bình luận (0)