Sinh viên mới tốt nghiệp khó tìm việc, vì sao?

23/01/2019 08:30 GMT+7

Mới ra trường, nhiều bỡ ngỡ khi tiếp cận thị trường lao động, cộng thêm không có định hướng nghề nghiệp cụ thể khiến nhiều ứng viên trẻ khó khăn trong quá trình kiếm việc.

Do thiếu định hướng

Trong tháng 12.2018, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group đã có cuộc khảo sát với hơn 1.600 câu trả lời từ ứng viên là sinh viên (SV) mới ra trường. Kết quả cho thấy bạn trẻ gặp khá nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình tìm kiếm việc làm. Theo đó, việc không có định hướng nghề nghiệp cụ thể chính là rào cản lớn nhất khiến bạn trẻ loay hoay, không biết bắt đầu như thế nào.

Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group VN, thông tin: “Có 38% ý kiến cho biết họ không có định hướng nghề nghiệp cụ thể nên cảm thấy khó khăn khi tìm việc làm. Ngoài ra, ứng viên trẻ cũng gặp rào cản vì chưa biết cách tìm việc hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Một bộ phận không nhỏ SV cảm thấy thiếu định hướng nghề nghiệp, 67% ý kiến cho rằng nhà trường cần tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp thực tế, bên cạnh việc cần giới thiệu việc làm cho SV thông qua liên kết với doanh nghiệp”.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Xuân Lanh, phụ trách quản trị chiến lược và đối ngoại Công ty Esuhai, cho rằng nhiều bạn trẻ tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp. “Ngay từ đầu khi chọn ngành học, các bạn đã không lựa chọn đúng nghề nghiệp mà mình yêu thích, phù hợp với khả năng cũng như thị trường lao động đang cần. Tuy nhiên, điều đó chưa quan trọng bằng việc các bạn phải nhận thức cho đúng sau khi tốt nghiệp. Trên thực tế chỉ có 30 - 40% SV làm việc đúng với ngành mình đã học. Đừng lo sợ khi mình học ngành này mà lại làm việc ngành khác, đó là sự điều tiết của thị trường và của chính bản thân. Phải ra làm việc một thời gian mới biết được mình thực sự làm tốt nhất ở công việc gì. Nghĩa là các bạn phải lao ra thị trường lao động, làm việc nghiêm túc, miệt mài những thứ mà mình thích nhất trong 5 năm đầu. Chắc chắn sau đó bạn sẽ xác định rõ ràng mình muốn làm gì và nghề nghiệp nào chọn mình”.
Theo ông Nguyễn Xuân Lanh, công ty của ông có 500 nhân sự, trong số đó có rất nhiều bạn trẻ làm việc không liên quan đến ngành mình đã học nhưng nhờ sự nghiêm túc, quyết liệt và hết mình với công việc, trong 2 năm đầu họ lại trở thành những nhân sự giỏi. “Trường ĐH, CĐ dạy các bạn kiến thức nền tảng và nếu vận dụng giỏi các bạn có thể làm được rất nhiều việc khác nhau, trừ một số ngành nghề chuyên sâu như y tế, kỹ thuật”, ông Lanh nhìn nhận.
Ông Gaku Echizenya cho rằng SV mới ra trường là nguồn nhân lực dồi dào, được trang bị kỹ hành trang về kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và thị trường nhân lực tại VN liên tục thay đổi, để có được một công việc phù hợp, bạn trẻ cần trả lời những câu hỏi mình sẽ tìm kiếm gì ở những công việc đầu tiên. Mình đang xem trọng điều gì hơn, tiền lương, tri thức, kinh nghiệm hay những mối quan hệ?

“Mức lương này quá thấp” !

Cũng trong khảo sát này, có tới 70% ý kiến ứng viên trẻ đặt tiêu chí “thu nhập và đãi ngộ” lên hàng đầu trong khi chỉ 50% quan tâm đến “công việc có phù hợp với năng lực hay không”. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều nhà tuyển dụng từ chối.
Ông Phan Châu Tuấn, Trưởng phòng Huấn luyện nhân sự Công ty Lập Phúc, công nhận trên thực tế không ít bạn trẻ chê những công việc vất vả mà cho rằng mức lương chỉ vài triệu/tháng là quá thấp, không xứng đáng, cuối cùng chấp nhận “thất nghiệp”. Ông Tuấn nhận định: “Phần lớn các bạn mới tốt nghiệp ĐH nhưng có nhận thức sai lầm là mình học ĐH thì phải làm một công việc “xứng đáng”, có một vị trí, chỗ ngồi “xứng đáng” mà quên rằng mình vẫn còn rất non nớt, thiếu kinh nghiệm. Đó là một tư tưởng xa rời thực tế, do đa số các trường ĐH dạy “chay” khiến người học luôn “tưởng tượng” chứ không hình dung ra được công việc, vị trí của người mới tốt nghiệp. Chính vì thế, khi đi làm việc các bạn cảm thấy xa lạ, cảm thấy tại sao mình phải làm những việc “nhỏ nhặt” như thế”.
Ông Tuấn cho rằng, nếu nóng lòng muốn đi nhanh, bỏ qua giai đoạn tích lũy kinh nghiệm thì bạn trẻ rất dễ bị “vấp”. Vì vậy, mới tốt nghiệp đi kiếm việc phải đặt mục tiêu trải nghiệm lên hàng đầu, xác định mình đi làm để lấy kinh nghiệm, phát huy sở trường trước. “Khi bạn đã có trải nghiệm và những thành tựu bước đầu, thì sau này chắc chắn bạn sẽ có thu nhập như mong đợi”, ông Tuấn.
Về điều này, ông Nguyễn Xuân Lanh chia sẻ thêm người mới tốt nghiệp ở các nước phát triển, chẳng hạn như Nhật, họ không lấy mục tiêu ngay lập tức phải trở thành nhà quản lý hay là có một vị trí nhất định trong doanh nghiệp. Trước tiên, họ làm một nhân viên hay người “thợ” rất bình thường, nhưng luôn nỗ lực để làm thật giỏi công việc bình thường đó. Trong khi ở VN, chúng ta hay tư vấn cho các em học ĐH ra sẽ có năng lực làm “thầy”, làm quản lý khiến các bạn trẻ nhận thức sai với thực tế. “Mới bước chân từ giảng đường ra cuộc sống thì mức lương không phải là quan trọng nhất, hãy chấp nhận một công việc có thể là từ nhỏ nhất để tích lũy kinh nghiệm và biết được mình có khả năng làm tốt nhất công việc gì, từ đó phát triển sự nghiệp”, ông Lanh đưa ra lời khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.