Sinh viên cầu, nhưng quán… không cung
Đoạn đường từ cổng Trường ĐH Nông lâm (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đến khu giảng đường chính của trường có nhiều quán ăn rải rác, đáp ứng nhu cầu ăn uống của sinh viên trong trường. Nhưng do lịch nghỉ hiện tại kéo dài hết tháng 2, sinh viên ở lại thành phố ít, nên hầu hết các quán này đều “cửa đóng then cài”.
Điều này cũng diễn ra tương tự trên đoạn đường đi vào KTX Cỏ May và KTX ĐH Nông lâm. Vắng sinh viên, các quán ăn dù lớn hay nhỏ đều nghỉ bán. Chỉ có một số cửa hàng tạp hóa mở cửa phục vụ người dân sống tại đây.
Trần Nguyễn Quỳnh Như (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cơ sở Thủ Đức), cho biết các hàng quán xung quanh trường hầu như không mở cửa. Những quán cơm, quán bún, hủ tiếu, hay những xe bán bánh mì và các món ăn vặt... bình thường rất rộn ràng nhưng những ngày này cũng vắng tanh.
|
Quỳnh Như đã quen với những quán cơm quen thuộc, những món yêu thích, chỉ cần ra cổng KTX là có ngay. Nhưng bây giờ không có quán nào mở cửa, Như phải đi thật xa để ăn cơm dù món ăn không hợp khẩu vị.
La Tuyết Nhi (sinh viên năm 3, Trường ĐH Kinh tế-luật TP.HCM), hiện ở KTX trong khuôn viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết ở khu vực này chỉ có 2 quán mở cách đây khoảng nửa tháng, nhưng thức ăn lại không được ngon. Vì vậy, Nhi phải tìm chỗ ăn uống khác và gặp nhiều khó khăn khi di chuyển.
Dự trữ mì gói, sữa, bánh
Trong tình trạng trên, để có món ăn ưa thích, sinh viên đã chọn cách đặt thức ăn online và dự trữ thức ăn nhanh trong phòng.
“Sau những ngày đối mặt với việc tìm chỗ ăn vất vả, mình đã quyết định đặt đồ ăn trên các ứng dụng online để có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên giá cả khi đặt thức ăn qua các ứng dụng sẽ mắc hơn, vì vậy, mình mua bánh và sữa dự trữ để ăn sáng. Mình đi làm thêm nên buổi trưa tìm quán ăn gần chỗ làm, tối về mình sẽ gọi thức ăn, hoặc ăn mì gói”, Quỳnh Như bày tỏ.
Trong khi đó, Tuyết Nhi cho biết: “Mình xoay sở bằng cách thứ bảy và chủ nhật về quê mang đồ ăn lên KTX cho thứ hai và thứ ba. Các ngày còn lại thì mình qua các hàng quán ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM để ăn. Nếu không có quán mở cửa thì mình phải ăn mì gói, cháo gói”.
|
Bình Trịnh Thắng (sinh viên năm 2, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cũng chia sẻ: “Có khi, mình bắt xe buýt ra khu dân cư để có một bữa ăn qua ngày, nhưng giá cả thì cao, không hợp với túi tiền của mình”.
Trước sự bất tiện trên, Thắng đã xoay sở bằng cách đi siêu thị mua mì, sữa bánh… để trong phòng. Thỉnh thoảng, Thắng đến trường, may mắn thì có 1-2 quán cơm mở cửa. Các quán ăn gần chỗ Thắng cũng đang tạm nghỉ trong mùa dịch.
Bình luận (0)