Học bổng là động lực cho chặng đường phía trước
Võ Thị Diễm Trang, nữ sinh Trường CĐ Viễn đông TP.HCM, cho biết chính học bổng Tiếp sức mùa thi của Báo Thanh Niên cùng sự động viên của bạn bè, những thầy cô đã khiến em không cảm thấy cô đơn. Còn với Phan Đình Long Nhật, học bổng này càng giúp em thêm vững bước để học thật tốt tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giúp cho cuộc sống của em và mẹ bớt khó khăn hơn.
|
Xuyên suốt chương trình, chúng tôi chứng kiến nhiều học sinh, phụ huynh đã khóc. Thậm chí, chính Đoàn Phương Lan, sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Em cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều bạn khác. Em cần phải cố gắng hơn nữa, để không phụ lòng mong đợi của những cô bác đã dành dụm, ủng hộ, giúp đỡ em”.
|
Thông qua báo, Nguyễn Ngọc Hoài Phương (sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) gửi lời cảm ơn tận đáy lòng đến những bạn đọc, mạnh thường quân: “Thật sự em không biết nói thế nào, vì từ sau khi bài viết của em được đăng trên Báo Thanh Niên, bạn đọc từ khắp nơi tìm đến tận nhà, tận trường để hỗ trợ và động viên em. Những người chưa bao giờ biết em nhưng lại tận tâm đến mức như những người thân của em. Chính điều này đã là động lực để em thi thật tốt kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, và là liều thuốc tinh thần giúp em vượt qua mọi khó khăn”.
|
Mặc dù rất muốn đến tham dự chương trình để nói lời cảm ơn đến quý độc giả, nhưng không thể xin nghỉ việc lao công ở bệnh viện được nên mẹ Phương đành nhắn lời qua con gái: “Từ ngày em nhận được nhiều sự hỗ trợ, rồi nhận được học bổng toàn phần cho 4 năm học, mẹ em đã bật khóc vì không thể ngờ được. Vì hoàn cảnh nhà em quá khó khăn, một tuần 6 người trong gia đình chỉ có 200.000 đồng tiền ăn, nên với gia đình em, sự giúp đỡ này là quá lớn. Trước khi đi, mẹ cứ dặn đi dặn lại em phải cảm ơn mọi người, cảm ơn thay mẹ nữa. Và mẹ còn dặn em phải cố gắng học để không phụ lòng của mọi người”, Hoài Phương kể lại lời gửi gắm của mẹ.
|
Từ miền quê nghèo Quảng Bình vào tới TP.HCM, mái nhà không có cha từ nhỏ, chỉ một mình mẹ bươn chải với nghề thợ hồ, Phan Đình Long Nhật từng phải làm nhiều nghề như bán card điện thoại, phụ bàn, phụ hồ… để mua sách, ôn thi ĐH và thực hiện giấc mơ của em. Rưng rưng chia sẻ với phóng viên, Nhật nói, "Mẹ chính là động lực mạnh mẽ nhất để em cố gắng. Em là người luôn yêu gia đình, em ước mơ sớm có một công việc tốt, để chăm sóc cho mẹ để mẹ không còn nắng mưa làm phụ hồ ngoài trời, nguy hiểm rình rập, không biết một mai có còn quay trở về nữa không”.
"Mong các em thành tài"
Từ ngày thực hiện những loạt bài về nghị lực mùa thi và sau khi bài được đăng lên, chúng tôi liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn từ những số lạ, mà nội dung chỉ với một mong muốn: “Tôi đọc được bài báo và thấy thương các em, tôi muốn giúp đỡ cho hoàn cảnh này, nhờ tác giả kết nối giúp”.
|
Cảm động hơn, khi có những lần giọng từ đầu máy bên kia đã quá tuổi xế chiều, nhưng đã dành dụm tiền lương hưu, tiền con cái cho để mong muốn giúp đỡ những học sinh khó khăn.
Và cô Trần Thị Loan (75 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) là một minh chứng. Lần đó, cô gọi để giúp cho trường hợp em Nguyễn Ngọc Hoài Phương, cô kể cô giờ chẳng làm được gì nữa, nhưng nhờ ngày xưa có mối quen biết nên mỗi lần đọc được hay nghe được ở đâu đó có hoàn cảnh khó khăn, cô lại đi vận động mỗi người một ít để giúp đỡ. Và lần này, khi đọc hoàn cảnh của Hoài Phương, cô chưa quyên góp kịp vì muốn hỗ trợ để em có động lực hoàn thành tốt kỳ thi nên cô dành tiền con cái cho để giúp đỡ Phương.
|
Chú Hồ Ngọc Anh (cựu chiến binh, chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến ban tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định), một bạn đọc đã khiến nhiều khán giả tham dự chương trình phải rơi nước mắt khi chú dành tiền lương hưu của mình đến chương trình để trao học bổng 4 năm học phí cho em Vũ Thanh Vy. Chú gửi gắm: “Tuổi trẻ là khoảng thời gian có nhiều hoài bão, vì thế các cháu cần có được cơ hội để thực hiện hoài bão đó. Nghị lực của các cháu là rất lớn và tôi hy vọng những sự hỗ trợ này sẽ là hành trang và động lực để các cháu thành tài, trở thành người có ích và đóng góp cho xã hội”.
|
Kết thúc chương trình, ngoài trời vẫn tầm tã mưa, nhưng bước chân của những bạn trẻ, những người vừa nhận được học bổng Nguyễn Thái Bình, học bổng Nghị lực mùa thi trong chương trình Tiếp sức mùa thi đã mạnh mẽ hơn khi các em biết rằng, các em không đơn độc. Đồng hành cùng các em là bao nhiêu bạn đọc, những tấm lòng trân quý khắp mọi miền luôn dành cho các em sự quan tâm, nâng bước.
Động lực để sống tốt hơn “Hôm nay mình được chứng kiến những tấm lòng quá cao cả, thậm chí những bác đã già vẫn trao học bổng để giúp đỡ cho người khác. Từ đó càng làm cho mình thêm động lực để sống tốt hơn. Nếu như còn cơ hội mình vẫn muốn được tham gia Tiếp sức mùa thi vì mình chưa làm ra được tiền để hỗ trợ về mặt vật chất, nhưng mình có thể góp chút công sức để giúp được nhiều thí sinh hơn nữa” Trịnh Đức Thọ (sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) Chắc chắn sẽ quay lại để giúp đỡ những sinh viên khó khăn “Xem chương trình, biết về hoàn cảnh và nghị lực của các em, thật sự mình rất xúc động. Tự thấy bản thân may mắn vì không phải lo nghĩ cho cuộc sống quá nhiều như các em. Nếu sau này, mình ra trường và đi làm có tiền, chắc chắn sẽ quay lại để giúp đỡ những sinh viên khó khăn, như hành động cao cả mà các mạnh thường quân đã mang đến cho các tân sinh viên ngày hôm nay”. Nguyễn Lê Triệu Vy (sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) |
Bình luận (0)