Nằm ở địa phận giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương, ký túc xá khu B chẳng khác nào một khu biệt lập. Đoạn đường đi từ đây đến các trường trong làng đại học khá xa, lại vắng vẻ nên xe buýt là lựa chọn tối ưu của đa số sinh viên.
Nhưng trớ trêu thay, ở đây chỉ có 3 tuyến xe đi qua mang số hiệu: 33, 99 và 53, thời gian giãn cách của mỗi chuyến từ 10 - 20 phút. Mỗi buổi sáng, sinh viên phải tranh thủ dậy thật sớm, chạy thật nhanh xuống bến để kịp lên xe. Nếu chẳng may chậm chân là phải đứng đợi chuyến tiếp theo. Cứ khoảng 2 đến 3 lần không lên xe được thì chắc chắn trễ học.
tin liên quan
Xe buýt phát nổ, bốc cháy dữ dội trên đường Lạc Long QuânTrưa 25.9 một xe buýt chở theo 20 hành khách đột nhiên phát nổ, bốc cháy dữ dội khi đang lưu thông trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội).
Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh viên năm thứ 2, cho biết Huyền may mắn được ở dãy gần bến xe buýt, dù vậy để lên xe được là vô cùng khổ sở. Huyền nói: “Hôm nào ở trên phòng nhìn xuống thấy bãi xe đông nghẹt người biết chắc là hôm đó mình phải chen chúc rất dữ dội. Có hôm gấp quá, vừa định bước lên xe thì bị đẩy xuống, bật ngược trở lại...”.
Lên xe là một chuyện, “tồn tại” được trên xe lại là chuyện khác, đông người nên xe buýt chẳng khác hộp cá mòi. Đấy là chưa kể nỗi lo bị móc túi.
Không chỉ do ít xe, việc chen lấn để lên xe của sinh viên cũng là một vấn đề đáng phải lưu tâm. Các sinh viên cứ nghĩ rằng, chen nhau để nhanh được lên xe mà không hề nghĩ rằng chính sự lộn xộn, nháo nhác đã làm họ mất nhiều thời gian hơn. Giá mà các bạn sinh viên biết xếp hàng theo thứ tự, từng người một lần lượt lên xe thì có lẽ các bạn sẽ bớt bị ám ảnh bởi chuyện... xe buýt!
Để sinh viên bớt khổ sở vì chuyện đón xe đi học, rất mong Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM tăng cường thêm tuyến để phục vụ việc đi lại. Tuy nhiên, trước hết các sinh viên phải rèn luyện tác phong, văn hóa nhường nhịn, xếp hàng khi đi xe buýt.
Bình luận (0)