Sinh viên 'nhức đầu' vì hàng quán… tăng giá

27/02/2022 10:04 GMT+7

Sau khi trở lại TP.HCM, nhiều sinh viên đã lo lắng và phải chắt chiu tiền bạc vì hàng quán… tăng giá.

Nhiều sinh viên phải thắt chặt chi tiêu trong lần trở lại sau tết

t.đ

Sau khi trở lại TP.HCM học trực tiếp, nhiều sinh viên (SV) phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trong đó có việc giá cả tăng.

Chỉnh lại chi phí sinh hoạt, chắt chiu từng đồng

Sáng ngày 25.2, chúng tôi có mặt trước khuôn viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Các hàng quán ở đây tấp nập sinh viên trở lại.

Cầm trên tay hộp cơm chiên dương châu, Nguyễn Thị Mai Hương, 19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho hay cảm thấy vui khi chứng kiến không khí nhộn nhịp trước cổng trường sau nhiều tháng ở dưới quê học trực tuyến vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau đợt trở lại lần này, Mai Hương lại "nhức đầu" vì chuyện tiền nong.

Hàng quán trước cổng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học

t.Đ

Hương chia sẻ, so với trước đợt dịch lần thứ 4, các hàng quán có tăng giá nhẹ. Những món từ 20.000 đồng nay đã lên 25.000 đồng, thậm chí 'đội' đến 30.000 đồng.

“Hiện nay, hàng quán nào cũng tăng chút ít làm tôi cảm thấy khá lo lắng, tính ra mỗi ngày cộng thêm một xíu tiền, lại thêm vấn đề xăng lên giá nữa thì có hơi khó khăn. Do đó, tôi phải điều chỉnh lại chi phí sinh hoạt, chắt chiu từng đồng”, Hương nói.

Hàng quán trước cổng Trường ĐH Bách Khoa (đường Tô Hiến Thành)

t,đ

N.T.N.Minh, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cũng đang chật vật với từng bữa ăn của mình. Minh cho biết cô trở lại TP.HCM vào giữa tháng 2. Hiện nay, các hàng quán xung quanh Làng Đại học đã hoạt động trở lại, khá nhộn nhịp, tấp nập kẻ mua người bán.

“Nhiều tháng không trở lại tôi khá nhớ những món ăn vặt xung quanh ký túc xá vì chúng ngon và giá cả ổn đối với sinh viên. Tuy nhiên, trở lại lần này các món ăn đã tăng giá lên một chút. Điều này làm tôi và các bạn cũng có chút hụt hẫng vì thời buổi dịch, kinh tế đã khó khăn mà lại còn phải chịu cảnh... tiền tăng”, Minh bộc bạch.

Sinh viên ngồi chật kín hàng quán xung quanh các trường

t.đ

Minh còn than thở: “Mấy ngày nay tôi rất ít đi ra ngoài trừ khi có chuyện quan trọng hoặc đi học vì giá xăng cũng tăng không kém. Lúc trước 50.000 đồng sẽ ăn được 2 bữa cơm tổng là 40.000 đồng, 10.000 đồng dành mua một ly nước ép trái cây vào buổi tối, còn giờ thì với số tiền đó nhưng chỉ ăn được hai bữa cơm. Lúc trước đổ 50.000 đồng đổ xăng có thể đi học gần 10 ngày (từ ký túc xá đến trường) còn bây giờ chắc chỉ tầm 6 hoặc 7 ngày là hết”.

"Không dám lên giá nhiều quá sợ sinh viên không mua"

Trước đó, tối ngày 24.2, chúng tôi có dạo quanh trước cổng Trường ĐH Sư Phạm, Q.5, TP.HCM. Nhiều sinh viên rủ nhau ra đây ăn uống, vui chơi, tán gẫu với bạn bè sau nhiều tháng xa cách vì dịch Covid-19.

Ngồi ở một góc nhỏ, Trần Đình Ngọc, 19 tuổi, sinh viên Trường Sư Phạm TP.HCM, cho hay Ngọc trở lại trường sau Tết Nguyên Đán 2022.

Nhiều người trẻ ăn uống ở các hàng quán trước cổng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Ngọc cho biết, các hàng quán ở đường An Dương Vương, Q.5 này là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với anh. Thức ăn ở đây không chỉ rẻ mà còn chất lượng và rất phong phú, đa dạng.

“Mấy tháng vừa qua em chỉ ru rú trong nhà để học trực tuyến.Tết cũng không dám đi đâu chơi vì sợ Covid-19. Ở dưới quê cũng không có mấy món giống trên đây nên thỉnh thoảng em cũng thèm lắm. Vì vậy khi được trở lại TP.HCM là ngay lập tức hẹn với đám bạn liền", Đình Ngọc kể.

Hàng quán tấp nập trên đường An Dương Vương

t.đ

Tuy nhiên, sau khi trở lại lần này anh chàng 19 tuổi thấy hơi lo lắng vì giá thức ăn có tăng nhẹ so với trước dịch. Đình Ngọc nói thêm: “Buổi sáng đi học em thường chi từ 25.000 đồng cho đồ ăn, nhưng đợt này vẫn là các món đó nhưng giá đã là 30.000 đồng, có nơi bán đến 35.000 đồng".

Buổi hẹn cùng với các bạn của Ngọc lần này cũng chỉ có vài trứng hột vịt lộn, hộp nghêu hấp xả, một dĩa chân gà nướng sa tế... Nếu cộng lại, chia đều thì tầm 30.000 đồng/ đầu người.

Cô N.T.Phương, 51 tuổi, chủ một quán đồ ăn vặt chuyên hải sản trước cổng Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cho biết rất phấn khởi khi thấy sinh viên bắt đầu trở lại thành phố.

Quán cô Phương hút khách nhờ giá rẻ

t.đ

“Sau hơn 4 tháng 'thất nghiệp', đầu năm 2022, quán tôi cũng mở lại bán nhưng khách không nhiều vì sinh viên chưa có lên đông. Chắc hai tuần nữa mới nhộn nhịp. Trong dịp tết vừa qua tôi có lên giá từ 10.000 đồng – 15.000 đồng mỗi món, nhưng 2 tuần nay giá đã trở lại bình thường, một số món có tăng nhẹ từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng”, cô Phương thông tin.

Cô chủ 51 tuổi này còn bộc bạch: “Sau khi TP.HCM bình thường mới cái gì cũng tăng. Nhưng nếu mình lên giá nhiều quá sợ sinh viên không mua”.

Anh Lê Phát, 39 tuổi, chuyên bán bò bía, cá viên chiên, bạch tuộc nướng... trước cổng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết anh cũng đã "bấm bụng" lên giá sau dịp tết 2022 vì phải chịu quá nhiều áp lực từ chuyện xăng dầu tăng liên tiếp, giá nguyên liệu lên cao, giá gas cũng không giảm.

Một số hàng quán không dám tăng giá lên nhiều vì sợ mất khách

t.đ

"Cân đo đong đếm mãi tôi mới quyết định tăng mấy món ăn từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng. Lúc đầu cũng lo là các bạn trẻ e ngại về giá nhưng không làm vậy tôi sẽ bị lỗ", anh Phát nói.

Nhiều chủ quán phải "bấm bụng" lên giá

t.đ

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng, 45 tuổi, chủ quán cơm trong hẻm 451/11 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10, TP.HCM không khỏi vui mừng khi thời gian này bán được nhiều hơn do sinh viên đã trở lại TP.HCM.

Chị Hồng cho hay khách hàng của quán chủ yếu là công nhân, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa. "Sau đợt tết 2022 quán có tăng vài ngàn đồng lên từ 27.000 đồng - 30.000 đồng/ phần (trước đó bán từ 23.000 đồng đến 25.000 đồng/ phần). Bây giờ đi chợ các mặt hàng từ rau đến thịt cái gì cũng tăng nhưng nếu lên giá cao quá thì sợ người mua không kham nổi", chị Hồng giải thích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.