Sinh viên nói: ‘5 triệu đồng/tháng cho sinh hoạt phí là không thấm vào đâu’

29/11/2024 15:04 GMT+7

Trong bối cảnh vật giá leo thang, nhiều sinh viên cảm thấy chật vật với khoản sinh hoạt phí hàng tháng, dù tiết kiệm đến mức nhịn cả ăn sáng nhưng vẫn không đủ xoay xở. Áp lực tài chính đã khiến nhiều sinh viên phải tìm đến các giải pháp như vay mượn bạn bè và cả tín dụng tiêu dùng để cầm cự qua ngày.

Khi được hỏi: "Bạn nghĩ sinh viên hiện nay với trợ cấp 5 triệu đồng/tháng có đủ trang trải không?", N.P.D, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết chỉ riêng tiền thuê trọ của bạn đã chiếm gần hết khoản này, 5 triệu đồng cho sinh hoạt phí của sinh viên hiện nay là không thấm vào đâu.

Sinh viên nói: ‘5 triệu đồng/tháng cho sinh hoạt phí là không thấm vào đâu’- Ảnh 1.

nhiều sinh viên cảm thấy chật vật với khoản sinh hoạt phí hàng tháng

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Rất nhiều khoản phải chi…

T. chia sẻ: "Mình đang thuê một phòng trọ nhỏ ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), không nội thất, chỉ vừa đủ chỗ đặt một cái nệm và lối đi, nhưng đã có giá hơn 3,8 triệu đồng/tháng. Cộng thêm tiền điện, nước và các phụ phí khác, tổng chi phí hàng tháng đã gần 5 triệu đồng".

Hiện tại, mỗi tháng T. được gia đình hỗ trợ 10 triệu đồng. Trong đó, bạn dành 4,5 triệu đồng cho tiền thuê trọ, 3 triệu đồng ăn uống và khoảng 2 triệu đồng để mua sắm, cà phê cùng các hoạt động giải trí khác. "Đôi lúc có những chi phí phát sinh thì mình vẫn phải xin thêm tiền ba mẹ", T. cười nói.

Đồng quan điểm, Lê Trúc Như, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng gặp khó khăn với mức trợ cấp 5 triệu đồng mỗi tháng từ gia đình. Dù ở ký túc xá với mức phí thấp nhưng Như vẫn cảm thấy chật vật khi phải xoay xở với các khoản chi tiêu hàng ngày.

"Một bữa cơm rẻ nhất cũng đã 25.000 đồng/phần, ngày 3 bữa là 075.000 đồng/phần. Đó là chưa kể những khoản khác như mua sắm quần áo, mỹ phẩm, dụng cụ học tập hay ăn uống cùng bạn bè. Đôi lúc mình phải nhịn ăn bữa sáng để tiết kiệm cho các nhu cầu khác", Như ngán ngẩm chia sẻ.

Như cũng cho biết nhiều khi muốn chăm sóc bản thân tốt hơn hoặc tham gia các hoạt động giải trí với bạn bè, nhưng lại lo ngại không đủ tiền cho những chi phí học tập phát sinh. "Dù đã tiết kiệm hết mức, mình vẫn thấy khoản tiền hiện tại chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu tối thiểu, huống chi là những khoản chi xa xỉ hơn", Như tâm sự thêm với người viết.

Chia sẻ về thói quen chi tiêu mỗi tháng, Doãn Quyết Tiến, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng thừa nhận dù đã cố gắng tiết kiệm, áp lực tài chính đôi lúc vẫn đè nặng, đặc biệt khi phải ưu tiên những khoản chi liên quan đến sức khỏe và sự tự tin cá nhân.

"Đối với mình, chăm sóc da là một nhu cầu thiết yếu, quan trọng không kém gì ăn uống. Bởi vì da mình dễ bị kích ứng nên hay lên mụn. Mỗi lần có mụn, mình rất căng thẳng và tự ti, nên mỗi tháng phải cố gắng dành khoảng 1 triệu đồng cho chăm sóc da mặt", Tiến chia sẻ.

Sinh viên nói: ‘5 triệu đồng/tháng cho sinh hoạt phí là không thấm vào đâu’- Ảnh 2.

Nhiều sinh viên cho rằng chăm sóc da mặt là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày

ẢNH: KIM ANH

Những lúc túng thiếu, nếu mỹ phẩm hết, Tiến phải mượn tiền bạn bè hoặc dùng ví trả sau trên Momo. "Không thể để cuộc sống thiếu mỹ phẩm được", Tiến cười nói và nhấn mạnh rằng để có tiền mua mỹ phẩm, mình phải cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động khác như đi chơi cùng bạn bè và mua sắm.

Tương tự, Nguyễn Thế Anh, sinh viên Trường ĐH Gia Định, cũng thừa nhận rằng ngoài vật giá tăng cao, điều khiến bản thân bị áp lực nhất là có quá nhiều khoản phải chi tiêu.

"Về ăn uống, mình có thể tiết kiệm bằng cách nấu tại nhà. Tiền trọ thì mình chọn ở ghép. Còn những nhu cầu như mua sắm, mình cố gắng hạn chế tối đa vì có những thứ quan trọng hơn", Thế Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, với ngành học truyền thông đòi hỏi kỹ năng quay dựng, Thế Anh buộc phải đầu tư lớn vào thiết bị công nghệ. "Từ đầu năm đến giờ, mình đã chi hơn 50 triệu đồng để mua máy tính, máy ảnh, ống kính. Nhưng số tiền này chẳng thấm gì so với các anh chị trong nghề. Mình đã chọn theo nghề thì phải chấp nhận đầu tư", Thế Anh nói.

Sinh viên nên phân chia các khoản chi tiêu theo 3 nhóm

Khi được hỏi về việc tiết kiệm, Lê Thành Minh, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thẳng thắn thừa nhận có nhiều trường hợp bất khả kháng khiến bản thân không thể tiết kiệm.

"Mình có nhiều mối quan hệ thân thiết, thường xuyên phải tham gia tiệc tùng, liên hoan. Có những lần mọi người rủ đi ăn do ngẫu hứng nên cũng không thể từ chối. Đây là khoản chi khiến mình cảm thấy áp lực nhất", Minh chia sẻ.

Những tháng chi tiêu vượt mức, Minh buộc phải xin thêm tiền từ ba mẹ, điều này khiến bản thân cảm thấy lo lắng. "Mình luôn muốn độc lập tài chính nên mỗi lần như vậy bản thân lại mệt mỏi và căng thẳng", Minh tâm sự.

Nói về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Ngô Thành Huấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và quản lý gia sản FIDT, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ khó kiểm soát chi tiêu là do thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.

"Hệ thống giáo dục hiện nay chưa đưa kỹ năng quản lý tài chính cá nhân vào giảng dạy. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tiện ích mua sắm khiến nhu cầu tiêu dùng được đáp ứng trở nên quá dễ dàng, gây ra nhiều khó khăn cho các bạn trẻ trong việc quản lý chi tiêu cá nhân", ông Huấn chia sẻ.

Ông Huấn chỉ ra ba vấn đề chính mà nhiều sinh viên hiện nay thường gặp phải trong quản lý tài chính. Đó là: thiếu kế hoạch chi tiêu rõ ràng, không xác định được mục đích chi tiêu và có thói quen chi tiêu trước rồi mới nghĩ đến việc tiết kiệm. "Không có kế hoạch tài chính cụ thể, sinh viên sẽ khó kiểm soát các khoản chi phát sinh ngoài ý muốn, dễ bị cuốn vào các xu hướng tiêu dùng không cần thiết và lâm vào tình trạng nợ nần", ông Huấn nhấn mạnh.

Theo ông Huấn, sinh viên nên phân chia các khoản chi tiêu theo 3 nhóm: nhu cầu thiết yếu, hưởng thụ và tiết kiệm. "Mỗi người trẻ cần xác định rõ ràng việc chi tiêu của mình. Dù nhu cầu có khác nhau nhưng nguyên tắc cơ bản là phải tiết kiệm tối thiểu 10% thu nhập hàng tháng để đảm bảo an toàn tài chính lâu dài. Đồng thời, chi tiêu cho mục hưởng thụ ở mức tối đa 20% thu nhập để tránh lãng phí".

Bày tỏ về quan điểm cho câu hỏi "Người trẻ chi khá nhiều cho khoản mỹ phẩm và mua sắm quần áo thì có cần thiết không?", ông Tuấn cho biết tâm lý và nhu cầu mỗi người khác nhau, nên sẽ không có câu trả lời chung cho tất cả. "Có thể đối với nhiều bạn mỹ phẩm là nhu cầu hưởng thụ nhưng người khác thì đó là thiết yếu. Tuy nhiên, như nguyên tắc ở trên đã xếp mỹ phẩm vào mục thiết yếu thì các bạn phải tự giảm những nhu cầu thiết yếu khác như ăn uống, tiền nhà để tránh lạm chi", ông Tuấn nhấn mạnh việc sinh viên duy trì kỷ luật trong chi tiêu không chỉ giúp các bạn ổn định tài chính mà còn tạo nền móng cho những thói quen tài chính lành mạnh sau này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.