Nhiều bạn trẻ người nước ngoài không về nước dịp đầu năm mới đã có nhiều cách để đón tết tại Việt Nam. Chia sẻ với Thanh Niên Online, nhiều người chia sẻ cái tết ở Việt Nam gợi họ nhớ đến hương vị tết ở quê nhà.
Nhớ tết sum vầy ở quê nhà
Hung Chi Hang, sinh viên đến từ Đài Loan, đang học cao học tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết đây là năm thứ 3 anh ăn tết ở Việt Nam.
“Tôi thấy Tết Việt Nam cũng vui và có những điểm tương đồng với tết ở Đài Loan. Vào những ngày này, tôi đi chùa với bạn bè người Việt để cầu chúc những điều tốt đẹp cho gia đình”, Hung Chi Hang kể.
|
Chi Hang cho biết, ở Đài Loan, mọi người trong gia đình anh cũng sum họp vào những ngày cuối cùng của năm âm lịch, ngồi lại với nhau để ăn bữa cơm gia đình. Hiện nay, do có nhiều thay đổi nên một số gia đình đã không còn giữ truyền thống này vì mỗi người đều bận công việc riêng.
Sau bữa cơm sum họp, gia đình Chi Hang sẽ lì xì cho nhau để trao may mắn trong năm mới. Sau đó, cả gia đình cùng đi lễ chùa cầu chúc cho sức khỏe, công việc...
“Tôi không có dịp được cùng người Việt ăn tết trong gia đình nên phần nào thấy nhớ cảm giác sum họp gia đình ở quê hương thời điểm này. Tuy nhiên, khi đi chùa, đi dạo phố cũng mang lại cho tôi cảm giác về không khí tưng bừng ở nước mình”, Chi Hang tâm sự.
Còn với anh Akaishi Hironori, sinh viên người Nhật, hiện đang học cao học tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, không khí ấm áp trong mỗi gia đình người Việt ngày tết nhắc anh nhớ đến cái tết ở Nhật, mặc dù tết ở Nhật đã diễn ra trước đó hơn một tháng.
Theo anh Akaishi, người Nhật tuy đã đổi sang ăn Tết Tây, nhưng dịp này vẫn là sự kiện truyền thống mang đậm văn hóa dân tộc. Tết người Nhật vẫn mang tên Shogastu, nghĩa là tháng giêng âm lịch. Giữa tết ở Nhật và tết ở Việt Nam tuy khác nhau về thời điểm diễn ra nhưng vẫn có nhiều nét giống nhau.
Vào những ngày cuối năm, người Nhật cũng tổ chức lễ tất niên để quên đi những khó khăn trong năm cũ. Những ngày này, người người dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón 3 vị thần (thần mang đến bình an, thần mang đến vụ mùa bội thu, thần bảo vệ nhà như linh hồn tổ tiên).
Ngoài ra, người Nhật cũng làm bánh, đến đền thờ cầu nguyện, gửi thư chúc mừng,… Đêm giao thừa, người Nhật còn có thêm phong tục là đến chùa lần lượt kéo chuông đến lần thứ 108 (theo thuyết của người Nhật, con người có 108 phiền não) để xua đi những muộn phiền của con người trong năm mới.
Với Lee Jae-ho, sinh viên đến từ Hàn Quốc, hiện đang học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, vào dịp tết, cả nhà cũng sum họp lại với nhau, đến thăm ông bà ở quê và đến nhà thờ dự lễ.
“Đã sống ở Việt Nam hơn 4 năm, nhìn cảnh mọi người về quê đoàn tụ gia đình, để lại thành phố vắng vẻ, tôi cảm nhận được niềm vui đoàn tụ của người Việt cũng như nỗi trống vắng của bản thân khi không thể về quê đoàn tụ gia đình mình”, Lee Jae-ho tâm sự.
Ấn tượng với Tết Việt
Được may mắn ăn tết trong gia đình người Việt hai năm liền, anh Akashi cho biết có những ấn tượng không thể quên về cái tết đặc trưng của Việt Nam.
"Những ngày cuối năm, người người đổ ra đường tíu tít, hối hả mua sắm và những hoạt động buôn bán diễn ra sôi động khiến tôi cảm nhận rõ nét rằng tết Việt đang về”, anh Akaishi Hironori chia sẻ ấn tượng về không khí trước tết ở Việt Nam.
Ngoài những tập tục như lì xì, gia đình đoàn viên,… tương tự như tết ở Nhật Bản thì Tết Việt mang những nét đặc trưng riêng khiến anh không thể nào quên.
Năm nay là năm thứ 3 anh ở lại Việt Nam ăn tết. Anh Akaishi kể: “Tôi vẫn còn ấn tượng mạnh mẽ trong ngày tết ở Sài Gòn là không khí gia đình rất ấm áp, vui tươi. Những món ăn truyền thống như thịt kho tàu, bánh chưng,… khiến Tết Việt có những bản sắc rất riêng”.
Năm nay, anh Akaishi chọn cách đi đến nhiều nơi để tiếp xúc không khí tết, khám phá văn hóa ở mỗi vùng miền.
Còn đối với Trương Lộ Linh và Tăng Nghiêu, hai sinh viên người Trung Quốc đang tham gia học tiếng Việt, ở tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM thì đây là lần đầu tiên hai cô gái này đón tết ở Việt Nam.
|
Tăng Nghiêu và Lộ Linh chia sẻ, cũng giống như người Việt, trước tết, hai cô dọn dẹp phòng ở ký túc xá thật sạch sẽ và gửi lời chúc mừng đến gia đình ở quê nhà vào khoảnh khắc đón năm mới… Còn những ngày tết họ đi chùa để cảm nhận không khí tết ở nơi linh thiêng tại Việt Nam.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đi nhiều nơi ở Việt Nam để tìm hiểu cách ăn tết của người Việt mỗi nơi như thế nào”, Trương Lộ Linh chia sẻ.
Hiện nay, ở châu Á, các quốc gia và lãnh thổ ăn Tết m lịch cùng thời điểm với Việt Nam còn có Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc. Ngoài ra, còn có các quốc gia ăn Tết âm lịch trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 4 như Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan,… Đối với Nhật Bản, kể từ năm 1868, người Nhật đón năm mới theo Tết Dương lịch. |
Hoàng Quyên
>> Sinh viên nước ngoài trải nghiệm tết Việt
>> Khai mạc chợ hoa tết ở TP.HCM: Đào bắc hút hàng
>> Nhộn nhịp thị trường hoa tết
>> Hàng chục nghìn khách Tây đón năm mới ở Mũi Né
>> Thế giới tưng bừng lễ hội đón chào năm mới 2013
Bình luận (0)