Theo các SV phản ánh, trong đợt xét tốt nghiệp tháng 8, những SV đạt điểm trung bình cuối năm từ 7 - 7,99 điểm (theo thang điểm 10) mới được xếp loại khá. Nhưng chỉ 2 tháng sau, trong đợt xét tốt nghiệp tháng 10.2018, các SV học cùng lớp (xét đợt sau) chỉ cần đạt từ 6,25 - 7,97 điểm đã được xếp loại khá. Các SV cho rằng đây là sự bất công vì chỉ trong 2 tháng kết quả xếp loại lại rất khác nhau.
Cụ thể, vào đợt tháng 10, có 107 SV từ 6,25 - 7 điểm được xếp loại khá. Trong khi đó, ở đợt xét vào tháng 8, có 122 SV đạt mức điểm này nhưng chỉ xếp loại trung bình khá.
Trả lời PV Thanh Niên, tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết thời điểm xét tốt nghiệp đợt tháng 8 trở về trước, trường áp dụng xếp loại SV theo cách cũ nên chưa chuẩn, có độ vênh giữa 2 thang điểm (thang điểm 10 và thang điểm 4 theo học chế tín chỉ), chưa giống với quy định của Bộ GD-ĐT. Đợt xét tốt nghiệp tháng 10, trường đã chỉnh sửa lại quy định theo điều 28 của Quy chế 43 về việc ban hành “Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ” hợp nhất với Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT. Theo thang điểm 4, SV được xếp loại khá từ 2,5 - 3,19 điểm. Nếu quy đổi từ thang điểm 4 sang thang điểm 10 thì nhân với 2,5, nghĩa là tương ứng loại khá từ 6,25 - 7,97 điểm.
Như vậy, theo ông Minh, việc xét tốt nghiệp đợt tháng 8 dựa trên kết quả từ thang điểm 10 (quy định cũ của trường). Đến đợt tháng 10 xét dựa trên xếp loại tín chỉ theo thang điểm 4, hoặc quy đổi qua thang điểm 10 theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, SV tốt nghiệp đợt sau này sẽ có lợi hơn SV tốt nghiệp trước đó.
Tiến sĩ Minh cũng cho biết SV học theo tín chỉ trong một khóa thường tốt nghiệp không cùng thời điểm nên kết quả của SV cũng dựa trên quy định của trường theo từng thời điểm. Vì vậy, những SV được xét theo quy định trước đó sẽ không thể “hồi tố”, xem xét lại kết quả xếp loại.
Bình luận (0)