Phạm Minh Công (sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cùng 3 người bạn gồm: Trần Thanh Long (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), Lê Thị Phương Thi (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) và Lê Thị Minh Phụng (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, làm tiền đề để hợp sức khởi nghiệp về sau.
Sản phẩm bao gồm phần cơ khí và bộ điều khiển tự động. Trong đó, phần cơ khí là chiếc máng cho heo ăn và bồn chứa thức ăn, bộ điều khiển tự động gồm màn hình LCD có giao diện đơn giản cùng bộ bàn phím để người nông dân dễ dàng nhập
4 thông số: số bữa ăn, số lượng thức ăn, thời gian ăn đầu tiên và thời gian ăn cách nhau. “Đối với những trang trại chăn nuôi lớn, sản phẩm sẽ được nâng cấp với phiên bản cao hơn và thực hiện hoàn toàn trên máy tính chủ.
Tất cả các bộ điều khiển của những máng heo tự động sẽ được kết nối wifi hoặc internet để truyền về máy chủ. Nhờ vậy, việc quản lý số lượng đàn heo lớn cũng trở nên dễ dàng hơn và người nông dân không cần phải trực tiếp đến từng chuồng trại để kiểm tra, theo dõi”, Công nói.
Sở dĩ sản phẩm có tính vượt trội là vì: “Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại máng ăn tự động nhưng các thiết bị này không kiểm soát được khối lượng bột cám heo ăn mỗi ngày là bao nhiêu. Thức ăn luôn có sẵn trong máng nên heo có thể ăn tùy ý, mọi lúc. Các thiết bị ấy cũng không kiểm soát được số bữa ăn và thời điểm heo ăn. Do vậy, lúc heo đã no, thức ăn vẫn còn trong máng, điều này làm thức ăn tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong thời gian lâu, gây biến chất, khiến heo dễ sinh bệnh”, Trần Thanh Long, thành viên của nhóm, chỉ ra nhược điểm.
Theo đánh giá của tiến sĩ Lê Quốc Huy, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, những lợi ích từ “Máng ăn cho heo tự động” mà nhóm sinh viên này mang lại thật hấp dẫn để giảm giá thành chăn nuôi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, giao diện dễ hiểu dễ dùng, điều này sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi của VN trên thị trường.
Các khảo sát thực tế cho thấy phần giảm hao phí thức ăn đạt đến 25%. Chính vì vậy, sản phẩm sáng tạo này đã đáp ứng được nhu cầu giải quyết bài toán tiết kiệm chi phí thức ăn và nhân lực của người chăn nuôi theo mô hình trang trại.
Nhóm sinh viên kỳ vọng, mục tiêu đến cuối năm 2017 là đưa sản phẩm vào thực tế với giá bán 4 triệu đồng/bộ. Trong định hướng dài hơi đến năm 2020, sản phẩm không những có mặt trên khắp lãnh thổ VN mà còn xuất khẩu sang các thị trường khác như: Lào, Campuchia.
Bình luận (0)