Sinh viên sáng tạo board game về văn hóa Việt Nam, một sản phẩm du lịch

24/11/2024 17:27 GMT+7

Trong khóa luận tốt nghiệp của mình, Trần Lý Phương Hoa, sinh viên năm 4 khoa Du lịch ĐH Kinh tế TP.HCM đã sáng tạo board game về văn hóa Việt Nam và dùng chính sản phẩm làm đối tượng nghiên cứu.

Sinh viên sáng tạo board game về văn hóa Việt Nam, một sản phẩm du lịch- Ảnh 1.

Trần Lý Phương Hoa là trưởng dự án Rạng rỡ Việt Nam, trực tiếp tham gia sản xuất board game phục vụ cho khóa luận của mình

ẢNH: NVCC

Vận dụng lý thuyết để xây dựng luật chơi

Board game (trò chơi bàn cờ) về văn hóa với tên gọi Rạng rỡ Việt Nam, là đối tượng nghiên cứu chính trong đề tài khóa luận tốt nghiệp của sinh viên Phương Hoa. Đề tài tập trung nghiên cứu và đưa ra giải pháp cho tình trạng trùng lặp và thiếu hấp dẫn của sản phẩm du lịch ở Việt Nam.

“Kết quả nghiên cứu chỉ ra, yếu tố khiến du khách quyết định mua quà lưu niệm nằm ở sự phản ánh bản sắc văn hóa của địa điểm tham quan. Vì vậy, mình đề xuất phát triển board game gắn với văn hóa, di sản Việt Nam. Để có đối tượng nghiên cứu, mình đã tiến hành thiết kế, sản xuất Rạng rỡ Việt Nam và đem khảo sát sản phẩm, thu thập ý kiến của người chơi, sau đó đánh giá sản phẩm trong đề tài”, Hoa trình bày.

Khi xây dựng nội dung và luật chơi cho bộ trò chơi, Phương Hoa vận dụng lý thuyết dòng chảy của tác giả Mihaly Csikszentmihalyi (1990). Lý thuyết này cho rằng, dòng chảy là trạng thái mà người chơi bị lôi cuốn vào hoạt động đến mức không bận tâm những thứ xung quanh.

“Dựa vào lý thuyết, mình thiết kế nhịp độ trò chơi để người tham gia hoàn toàn chìm đắm vào ván cờ. Trạng thái dòng chảy giúp tối ưu hóa trải nghiệm trò chơi và khơi gợi sự quan tâm về văn hóa và di sản Việt Nam”, sinh viên thông tin.

Sinh viên sáng tạo board game về văn hóa Việt Nam, một sản phẩm du lịch- Ảnh 2.

Các tình nguyện viên tham gia chơi thử và đóng góp ý kiến cho board game

ẢNH: NVCC

Trong board game, văn hóa và di sản Việt Nam được khắc họa trong thẻ bài, sách hướng dẫn… Phương Hoa cho hay: “Mình tổng hợp, chọn lọc thông tin từ các nguồn chính thức như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bên cạnh đó, mình cũng trực tiếp phác họa hình vẽ cho board game, bao gồm hình ảnh 54 dân tộc và bìa của bộ trò chơi”. Hoa chia sẻ thêm, người chơi có thể đọc thêm thông tin bằng cách quét mã QR trên thẻ bài, hoặc truy cập trang web của board game.

Từ tháng 3, Phương Hoa bắt đầu nghiên cứu lý thuyết liên quan đến đề tài. Ba tháng sau, Hoa bước vào giai đoạn sản xuất board game, bao gồm thiết kế, in ấn sản phẩm, tạo lập trang web; sau đó khảo sát người chơi và hoàn thiện báo cáo khóa luận vào tháng 10. Theo nữ sinh viên, những vấn đề khác nhau phát sinh trong quá trình triển khai board game.

“Ở giai đoạn thiết kế đồ họa cho sản phẩm, hầu như mỗi ngày mình và đồng đội gặp các sự cố. Tụi mình phải mất thời gian dò và sửa lỗi của tệp thiết kế như tệp bị lỗi, biến mất, không chính xác… Một khó khăn khác nữa là rào cản tài chính vì chi phí sản xuất cao và yêu cầu kỹ thuật khắt khe”, Hoa bộc bạch.

Sinh viên sáng tạo board game về văn hóa Việt Nam, một sản phẩm du lịch- Ảnh 3.

Phương Hoa đang tiến hành đăng ký bản quyền cho sản phẩm Rạng rỡ Việt Nam

ẢNH: NVCC

Vừa chơi board game vừa học về văn hóa Việt Nam

Thạc sĩ Lê Hồng Trân, giảng viên khoa Du lịch Trường Kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định board game mang yếu tố văn hóa Việt Nam ít xuất hiện trên thị trường. “Tuy board game không phải là sản phẩm hiếm trên thị trường nhưng các bộ trò chơi thường tập trung vào văn hóa của Nhật Bản hay các nước phương Tây, ít khai thác văn hóa Việt Nam”, thạc sĩ Trân nói.

Đồng tình, anh Nguyễn Hoàng Việt, cố vấn về board game của dự án Rạng rỡ Việt Nam, cũng cho rằng: “Dạng board game nhằm học hỏi kiến thức về văn hóa thì hiếm trong thị trường Việt Nam, mặc cho board game đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu với hình thức như ô ăn quan, cờ cá ngựa”.

Theo anh Việt, để sản xuất một bộ board game chất lượng, người sáng tạo cần nghĩ về mục tiêu và thiết kế luật chơi để mang đến cảm giác hứng thú cho người tham gia. Trong trường hợp của Rạng rỡ Việt Nam, anh Việt nhận xét luật chơi được thiết kế phù hợp mục tiêu phổ biến kiến thức văn hóa.

“Đây là dạng trò chơi để học, người tham gia vừa chơi, vừa học và biết ngay kiến thức. Bên cạnh đó, trong trò chơi có những thử thách thúc đẩy động lực tìm hiểu thông tin. Đơn cử, với tình huống ‘thách đấu’ của trò chơi, người tham gia phải trả lời đúng nếu không thì bị phạt. Vì tâm lý không muốn thua, người chơi sẽ ráng ghi nhớ nhiều hơn để trả lời đúng”, anh Việt nói.

Liên quan đến khóa luận của Phương Hoa, thạc sĩ Trân cho rằng đề tài có quy mô chưa từng có trong các khóa sinh viên. “Điểm sáng trong cách tiếp cận của Hoa là giải quyết sự thiếu hụt về sản phẩm board game gắn với văn hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về văn hóa của giới trẻ. Đây là lý do thuyết phục để khoa cho phép triển khai dưới dạng khóa luận tốt nghiệp. Về góc độ nghiên cứu, khóa luận của Phương Hoa mang tính khoa học, có bằng chứng và tính thực tiễn”, thạc sĩ Trân nhận xét.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.