KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG CÓ TRÁCH NHIỆM
PGS-TS Phạm Thành Dương, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho biết hiện tại trường chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, Gemini trong hoạt động học tập và nghiên cứu của sinh viên (SV). Tuy nhiên, trường khuyến khích SV tự nghiên cứu, tìm hiểu và sử dụng các công nghệ mới một cách có trách nhiệm, tuân thủ các quy định về bản quyền và tránh gian lận học thuật. Trường cũng có một số hướng dẫn chung với SV về việc có thể sử dụng các công cụ này để hỗ trợ quá trình học tập, nghiên cứu, như tìm kiếm thông tin, lập dàn ý, soạn thảo bài viết...
Tuy nhiên, PGS-TS Dương lưu ý: "Người học không được phép sử dụng các công cụ này để thay thế hoàn toàn cho bản thân trong việc thực hiện bài tập, đồ án, luận văn. Khi trích dẫn thông tin, ý tưởng từ các công cụ AI, SV cần ghi rõ nguồn và phản biện, phân tích một cách có ý thức".
Đặc biệt, TS Dương nhấn mạnh: "Trong trường hợp các công cụ AI được sử dụng để thay thế cho nỗ lực cá nhân, nhà trường sẽ xem đây là hành vi gian lận và xử lý theo quy định về kỷ luật".
TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết trường không cấm mà ngược lại khuyến khích giảng viên, SV sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công việc và học tập tốt hơn.
"Ngay cả trong luận văn, tiểu luận vẫn khuyến khích người học sử dụng. Tuy nhiên, SV phải nắm được cốt lõi vấn đề, khi giảng viên chất vấn phải trả lời được cặn kẽ câu hỏi. Hơn nữa, trường đào tạo theo hướng ứng dụng nên các đề tài, luận văn hầu hết đều theo hướng làm ra sản phẩm. Do đó, việc đánh giá phải dựa trên hoạt động chi tiết của sản phẩm trong thực tế", TS Quỳnh cho hay.
Theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, quan điểm của trường là cho phép người học sử dụng AI hỗ trợ học tập một cách thoải mái, nhưng người học không được sử dụng các công cụ này trong thi cử, làm luận văn, đồ án, nghiên cứu khoa học. Nếu phát hiện SV dùng ChatGPT để làm luận văn, đề tài... thì tùy theo mức độ sẽ có hướng để xử lý tùy theo giảng viên.
Các công cụ AI mà học sinh, sinh viên thường sử dụng
CHỤP MÀN HÌNH
KIỂM TRA ĐẠO VĂN BẰNG PHẦN MỀM CHUYÊN DỤNG
Không cấm người học sử dụng công cụ AI trong học tập nhưng hành vi dùng công cụ AI để làm tiểu luận, khóa luận vẫn bị các trường ĐH xem là đạo văn. Do đó, các trường hiện có nhiều biện pháp chống lại hành vi gian lận này, trong đó chủ yếu qua các phần mềm kiểm tra đạo văn.
Từ năm 2023, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) ban hành quy định thực hiện và chấm luận văn tốt nghiệp trình độ ĐH, trong đó có một nội dung liên quan đến việc sử dụng công cụ AI. Cụ thể, trường cho phép trưởng khoa quy định các điều kiện về kiểm tra đạo văn và chống các hình thức gian lận khác (ví dụ sử dụng công cụ AI để viết báo cáo) phù hợp theo từng ngành đào tạo.
Ngay trong quá trình học tập, Trường ĐH Hoa Sen cũng quy định hướng xử lý cụ thể với SV đạo văn.
Nhiều trường ĐH hiện đang sử dụng phần mềm Turnitin để phát hiện mức độ giống nhau, trùng lắp trong các sản phẩm học thuật viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt, cùng các ngôn ngữ khác và chỉ rõ nguồn sao chép. Tùy mức độ vi phạm, người học có thể bị khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học nếu bị phát hiện đạo văn, trích dẫn vượt tỷ lệ cho phép (20 - 25%).
Năm 2023, SV Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM từng bị giảng viên trừ 50% số điểm vì bài tiểu luận bị phát hiện sử dụng công cụ AI để viết. PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết trường chưa có quy định cụ thể về AI nhưng đã ban hành quy định về liêm chính học thuật chung. Cùng với đó, các biện pháp trường đang áp dụng liên quan đến việc sử dụng công cụ AI này như: tập huấn cho giảng viên sử dụng các công cụ AI để phát hiện nội dung viết bằng AI, trường tự phát triển công cụ có khả năng phát hiện nội dung viết bằng AI. Ngoài ra, trường khuyến khích giảng viên thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá, cho người học làm nhiều hơn các dự án thực tế, thuyết trình, thảo luận…
Bình luận (0)