Sinh viên sư phạm có được bố trí việc làm khi tốt nghiệp?

25/05/2022 06:05 GMT+7

Theo nghị định mới của Chính phủ, sinh viên các ngành đào tạo giáo viên sau khi tốt nghiệp sẽ được bố trí việc làm. Tuy nhiên, không phải bất cứ người nào theo học sư phạm đều được hưởng chính sách này.

Sinh viên nào được định hướng việc làm ?

Theo Nghị định 116 của Chính phủ, sinh viên (SV) trúng tuyển ngành sư phạm (SP) từ năm học 2021 - 2022 bắt đầu được hưởng chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt. Ngoài miễn học phí, mỗi tháng người học ngành học này còn được nhận 3,63 triệu đồng tiền sinh hoạt phí. Ngoài ra, những SV này còn được tư vấn, hỗ trợ về định hướng việc làm sau khi ra trường.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đến năm 2024 sẽ có những SV SP đầu tiên được hưởng đầy đủ theo chính sách trên. Nghị định 116 nêu rõ sau khi tốt nghiệp thì SV thông báo cho cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu về kết quả học tập để được tư vấn, hỗ trợ về định hướng việc làm trong ngành giáo dục. UBND các tỉnh thành có nhiệm vụ tuyển dụng SV SP tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức.

Thí sinh dự thi năng khiếu xét tuyển vào ngành sư phạm mỹ thuật tại Trường ĐH Sài Gòn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo đó, SV ngành đào tạo giáo viên sau khi tốt nghiệp được bố trí công tác trong ngành giáo dục, bao gồm giảng dạy, nghiên cứu, viên chức quản lý trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan nghiên cứu khoa học về giáo dục và đào tạo. Người học các ngành này cũng có thể được bố trí để trở thành công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết: “Thực tế hiện nay giáo viên vừa thừa vừa thiếu. Với chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ này, SV tốt nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí tuyển dụng một mặt được bố trí việc làm nhưng mặt khác phải tuân thủ sự phân công của địa phương để hài hòa nhân lực giáo viên”.

Hợp đồng đào tạo với địa phương

Thực hiện theo Nghị định 116, ngay từ đầu năm học 2021 - 2022 các địa phương đã tiến hành đăng ký chỉ tiêu đào tạo giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu dựa trên thực tế nhu cầu giáo viên cần tuyển. SV sau khi trúng tuyển được đăng ký, cam kết tham gia học tập và công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng của địa phương. Từ kết quả xét chọn của địa phương, trường thông báo cho người học và tiến hành việc ký hợp đồng đào tạo.

Chẳng hạn trong năm học 2021 - 2022, chưa kể các địa phương, Trường ĐH Sài Gòn đã được giao nhiệm vụ đào tạo 900 chỉ tiêu SP từ UBND TP.HCM, trong đó một số ngành có nhu cầu lớn như: giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non, SP tiếng Anh… Tương tự, năm học 2021 - 2022 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng có khoảng 300 chỉ tiêu được các địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cũng cho biết về mặt nguyên tắc theo Nghị định 116, SV các ngành đào tạo giáo viên hưởng chính sách hỗ trợ tài chính bắt buộc phải cam kết ra trường làm việc trong ngành giáo dục. Do vậy, những SV học SP nhưng không đăng ký miễn học phí và nhận sinh hoạt phí thì không bị ràng buộc bởi quy định này.

“Trong số những người có cam kết này thì SV thuộc diện đặt hàng của địa phương ra trường có thể được bố trí việc làm tại địa phương đó. Chẳng hạn Trường ĐH Đà Lạt hiện đã nhận được đặt hàng đào tạo khoảng 20 chỉ tiêu của tỉnh Ninh Thuận, các SV này sau khi ký hợp đồng sẽ được bố trí việc làm tại tỉnh này sau khi ra trường”, ông Duy cho biết.

Trường ĐH Bạc Liêu trong năm học 2021 - 2022 có 141 SV trúng tuyển 3 ngành SP theo chỉ tiêu cho phép của Bộ GD-ĐT. Trường đã thông báo tới người học và có 96/141 SV có nguyện vọng nhận hỗ trợ và cam kết làm việc theo nhu cầu địa phương.

Nhiều vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116

Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo và đề xuất nhu cầu các năm từ 2023 - 2025 để triển khai Nghị định 116. Theo văn bản này, Nghị định 116 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với SV SP và có hiệu lực từ khóa tuyển sinh 2021 - 2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc về số chỉ tiêu đã đề xuất của một số địa phương và việc triển khai thực tế giữa các địa phương và cơ sở đào tạo.

Để đảm bảo nhu cầu giáo viên mà các địa phương đã đề xuất sát với nhu cầu sử dụng; việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên đạt hiệu quả, Bộ đề nghị chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo rà soát nhu cầu tuyển sinh và đào tạo giáo viên của năm 2022 và đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên các năm từ 2023 đến 2025. Bộ cũng đề nghị trước ngày 31.12 các năm từ 2022 đến 2024, các địa phương gửi văn bản điều chỉnh nhu cầu so với nhu cầu đã đăng ký cho các năm 2023 đến 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.