Sinh viên sư phạm từ khóa 2021-2022 được cấp học phí, sinh hoạt phí

29/04/2021 11:21 GMT+7

Tại hội nghị triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí với sinh viên sư phạm, Bộ GD-ĐT nêu quan điểm cần phải quyết tâm thực hiện chính sách này ngay từ năm học 2021 - 2022.

Hôm nay, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến việc triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí, mà Chính phủ ban hành từ tháng 9.2020. Hội nghị được tiến hành tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Tại hội nghị, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT, đã trình bày báo cáo về trách nhiệm, quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, được áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022.

Mức hỗ trợ đủ để sinh viên sư phạm yên tâm theo học

Theo ông Khánh, trước khi có Nghị định 116, luật Giáo dục 2005 quy định sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, nhà nước miễn học phí cho sinh viên sư phạm thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở đào tạo giáo viên (thường gọi là kinh phí cấp bù sư phạm).
Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm. Việc sử dụng ngân sách chưa đảm bảo hiệu quả do sinh viên ra trường không làm đúng ngành; việc cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm chưa đảm bảo định mức chi phí đào tạo dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm đặc biệt trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường; không công bằng với các ngành học khác; không thu hút được học sinh khá, giỏi vào ngành sư phạm; việc đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng.
Nghị định 116 được ban hành nhằm khắc phục những nhược điểm trên.
Theo ông Khánh, nếu thực hiện Nghị định 116, trước hết việc đào tạo sinh viên sư phạm gắn chặt với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm của các địa phương với các cơ sở đào tạo và quy định gắn trách nhiệm của các địa phương từ nhu cầu đến đặt hàng đào tạo, việc bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thực trạng sinh viên sư phạm ra trường làm trái ngành nghề đào tạo đang diễn ra.
Thứ hai, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước thông qua việc cấp đúng đối tượng, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho sinh viên sư phạm làm đúng ngành sư phạm, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước. “Nghị định 116 quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, nếu sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp mà không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định, thì phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ”, ông Khánh nói.
Thứ ba, Nghị định 116 xây dựng mức hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm hợp lý, bảo đảm đủ tiền đóng học phí và cơ bản đủ chi trả chi phí sinh hoạt tối thiểu để sinh viên yên tâm theo học ngành đào tạo giáo viên, đồng thời thu hút được sinh viên giỏi vào học và công tác trong ngành giáo dục, thúc đẩy chất lượng đội ngũ nhà giáo.
“Sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường”, ông Khánh nói.
Thứ tư, cho phép các cơ sở đào tạo giáo viên được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội để đảm bảo công bằng với việc đào tạo các ngành khác, trách việc trông chờ vào ngân sách nhà nước đồng thời thúc đẩy việc tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên.

Phải bồi hoàn nếu ra trường không làm trong ngành giáo dục

Ông Khánh cũng cho biết, trong Nghị định 116, có một số chính sách được ban hành thông qua các quy định như cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; chính sách mới về hỗ trợ sinh viên sư phạm; về bồi hoàn kinh phí…
Sinh viên sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyên vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội).
Với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục, các em cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Về bồi hoàn kinh phí, Nghị định 116 quy định chi tiết các trường hợp nào phải bồi hoàn, trường hợp nào không.
Sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn là những em đã công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.
Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí đào tạo gồm những em không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; hoặc công tác không đủ thời gian công tác theo quy định; hoặc sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
Tuy nhiên, có những em được xếp vào diện “bất khả kháng” như nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời, các em sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học. Hoặc sinh viên dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần), dừng học vì lý do khác không do kỷ luật, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ.
“Các nội dung trên đã đảm bảo quy định cụ thể cho tất cả các đối tượng nhằm đảm bảo công bằng cho các sinh viên sư phạm ra trường làm đúng ngành giáo dục”, ông Khánh nói.
Trách nhiệm thu hồi chi phí bồi hoàn được giao cho UBND cấp tỉnh (ra thông báo thu hồi và thông báo cho sinh viên sư phạm và gia đình đối với các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí). Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.
Tối đa trong thời hạn 4 năm, kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi kinh phí sinh viên sư phạm, sinh viên và gia đình các em có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn. Số tiền thu hồi từ kinh phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước.
Nhưng ông Khánh cũng khẳng định: "Mục tiêu của Nghị định là thu hút học sinh giỏi vào học và phục vụ ngành sư phạm. Nghị định không chú trọng tới mục tiêu bắt người học bồi hoàn kinh phí. Chúng tôi tin rằng, nếu có giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các em học xong được phục vụ trong ngành sư phạm, thì số em không ở lại làm việc trong ngành là rất hãn hữu".   
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.