Sinh viên thực tập: Kiến thức ở trường có giá trị gì?

15/12/2022 14:35 GMT+7

Đây là băn khoăn của không ít sinh viên ngành công nghệ ô tô về mức độ vận dụng lý thuyết tại trường vào thực tế.

“Thực tế khác xa tưởng tượng”

“Thực tế khác xa tưởng tượng” là cảm nhận của đa số sinh viên thực tập ở những khối ngành đòi hỏi thực hành nhiều như công nghệ ô tô.

Chẳng hạn, A.Q (20 tuổi, sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng đang thực tập tại một công ty kinh doanh xe) cho biết: “Tôi chỉ được dạy những điều cơ bản từ giáo trình trên trường, còn khi ra thực tế, tôi phải học thêm kiến thức bổ trợ chứ không áp dụng quá nhiều công thức tính toán, đo lường”.

“Đây là trở ngại lớn bởi từ một sinh viên nắm đầy đủ lý thuyết lại trở nên vô dụng khi thực hành. Những gì đơn vị thực tập hướng dẫn hoàn toàn mới nên tôi chỉ nắm được một phần nhỏ”, Q. chia sẻ.

Sinh viên ngành công nghệ ô tô sẽ có nhiều cơ hội thực tập và làm việc

NVCC

Tương tự, V.D.C (20 tuổi, sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng) cũng không thể áp dụng nhiều kỹ năng học ở trường vào công việc tại một gara ở Q.6, TP.HCM. Điều này buộc D.C phải trau dồi từng ngày để thích nghi với môi trường thực tập.

“Tôi chủ động bắt chuyện với các chú, các anh để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ vậy, tôi học được cách làm việc nhóm nghiêm túc, cải thiện kỹ năng giao tiếp và biết tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình”, D.C kể.

Tại sao sinh viên vẫn cần lý thuyết?

Vấn đề “lý thuyết-thực hành” cũng nhận được nhiều tranh luận trái chiều trong các hội, nhóm Facebook dành cho sinh viên ngành công nghệ ô tô. Không ít bình luận đã ủng hộ việc học lý thuyết ở trường.

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK

Gần đây, trong diễn đàn Công nghệ ô tô trên Facebook, bài đăng “thà học nghề ô tô vừa kiếm được tiền vừa có tay nghề còn hơn bỏ 4 năm học ĐH để rồi ra trường cũng học việc từ đầu” đã thu hút nhiều bình luận trái chiều.

Tài khoản H.D.T chia sẻ: “Mình không nghĩ các hãng xe lớn sẽ tuyển những người không bằng cấp vào các vị trí quan trọng đâu. Cái gì cũng có giá trị của nó, kiến thức ĐH cũng sẽ như vậy”.

Trong khi đó, tài khoản N.Q.H bình luận: “Không hẳn học ĐH là sẽ giỏi hơn học nghề, nhưng nó cũng có cái khác. ĐH trang bị kiến thức tổng quát và tư duy logic mà học nghề không có. ĐH có thể không ‘lành nghề’ ngay từ khi ra trường nhưng nếu làm nghề khoảng 3, 4 năm thì đa số những người học ĐH sẽ trên tay nghề so với người học nghề…”.

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, thạc sĩ Đặng Đức Cường, Trưởng khoa Khoa Công nghệ ô tô Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, cho hay đa số doanh nghiệp lớn cần phần nhiều lực lượng lao động sản xuất trực tiếp là chính, tức họ cần lao động có tay nghề nhiều hơn đội ngũ cán bộ quản lý.

“Thông thường, khởi đầu của sinh viên sẽ là vị trí người thợ, kỹ thuật viên hay công việc cần kỹ năng nhiều hơn. Nên nếu học thiên về lý thuyết, ít thực hành để hướng tới tính toán thiết kế hay quản lý, điều hành mà thực tế vị trí công việc này không nhiều, các sinh viên ra trường không đạt được kỳ vọng ở những vị trí này sẽ dễ nản. Do đó, bài đăng trong trường hợp trên cũng có cái lý riêng”, ông Cường cho hay.

Ngoài kiến thức, sinh viên ngành công nghệ ô tô cần chú trọng thực hành để nâng cao tay nghề

NVCC

Theo ông Cường, kiến thức trên trường vẫn rất cần thiết cho quá trình làm nghề và phát triển nghề sau này của sinh viên công nghệ ô tô vì lý thuyết nhiều sẽ hỗ trợ tốt cho khả năng tư duy, suy luận và chẩn đoán.

Bên cạnh đó, ông Cường lưu ý, việc học lý thuyết ở trường ĐH, CĐ hay học nghề tùy thuộc vào mục đích của mỗi sinh viên. “Nếu muốn có một vị trí quản lý đòi hỏi trình độ cao sau khi ra trường, sinh viên nên tập trung học kiến thức trên trường. Ngược lại, nếu muốn làm kỹ thuật viên, làm thợ, học nghề sẽ tốt hơn”, ông Cường nói.

Sinh viên cần nỗ lực rèn luyện trước khi thực tập

Trên thực tế, hầu hết chương trình đào tạo dành cho sinh viên CĐ đã có 60-70% yếu tố thực hành, nhưng sinh viên vẫn có thể bỡ ngỡ trong lúc thực tập tại doanh nghiệp, không thể tránh khỏi vấn đề “lý thuyết khác xa thực tế”.

Ông Nguyễn Hoài Phương, Trưởng phòng Hợp tác-Bảo đảm chất lượng Trường CĐ THACO, chia sẻ: “Ưu điểm của những sinh viên thực tập năm nay là có kiến thức về công nghệ ô tô, chịu khó, ham học hỏi”.

“Nhược điểm là lần đầu tiếp xúc và thực tập trong môi trường công nghiệp nên các bạn cần thời gian để tiếp cận máy móc công nghệ mới, đồng thời hòa nhập với tác phong và văn hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, một số sinh viên còn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc thực tập”, ông Phương nói thêm.

Vì thế, thạc sĩ Đặng Đức Cường khuyên sinh viên cần tích cực bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện tay nghề trước khi đi thực tập. Những gì thực tế yêu cầu thường phức tạp hơn so với học trên trường nên sinh viên cũng nên liên hệ chặt chẽ với giảng viên để được hỗ trợ tốt nhất trong quá trình thực tập, theo ông Cường. “Khi kết thúc giai đoạn thực tập, giảng viên tại khoa sẽ chú trọng đánh giá ý thức chấp hành nội quy doanh nghiệp thực tập cũng như các kỹ năng có được của sinh viên”, thầy Cường cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.