“Học đi đôi với hành”
Sinh viên năm 1 và 2 thường tìm đến các công ty thực tập với mong muốn cọ xát thực tế, kiếm thêm thu nhập và có thể rút ngắn thời gian so với thực tập theo lịch trình.
Chẳng hạn, Phù Thế Khang (19 tuổi, sinh viên năm 2 ngành truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đang thực tập với vị trí trợ lý sản xuất tại một công ty chuyên làm phim và quảng cáo kể từ tháng 4.
Nam sinh viên chia sẻ: “Tôi nghĩ quyết định này không quá liều lĩnh vì tiêu chí của mình là học đi đôi với hành”. Nhờ vậy, Khang nhận được nhiều giá trị từ công việc hiện tại như mạng lưới mối quan hệ, “làm đẹp CV” và kinh nghiệm thực tập cũng giúp anh đạt điểm cao ở một số môn chuyên ngành.
Sinh viên chọn đi thực tập sớm, làm trợ lý sản xuất tại một công ty chuyên làm phim và quảng cáo |
NVCC |
Còn Ngô Văn Tiến (19 tuổi, sinh viên năm 2 ngành kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) biết đến công ty thực tập hiện tại thông qua lời giới thiệu từ giảng viên. “Việc thực tập giúp tôi có kiến thức chuyên sâu hơn, thành thạo các thao tác cũng như rèn luyện tư duy xử lý tình huống khi làm thí nghiệm. Tôi cũng trở nên có trách nhiệm, tiết kiệm và tỉ mỉ hơn”, Tiến chia sẻ.
Tương tự, Nguyễn Phúc Nghị (19 tuổi, sinh viên năm 2 ngành truyền thông đa phương tiện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ: “Quá trình làm thực tập sinh truyền thông cho một công ty thuộc lĩnh vực giáo dục mang đến cho tôi nhiều kiến thức và trải nghiệm thực tế".
“Trong học kỳ này, tôi học môn marketing căn bản, giảng viên nói đến đâu, tôi hiểu đến đó mà không cần tra cứu nhiều vì các sếp trên công ty cũng đã truyền đạt kinh nghiệm. Tôi cũng cố gắng vận dụng những gì được học trên lớp để hỗ trợ quá trình đi làm và ngược lại. Tôi còn có cơ hội trau dồi kỹ năng ‘cứng’ lẫn kỹ năng ‘mềm’ nhờ vừa học, vừa thực tập sớm”, Nghị nói.
“Một ngày 24 giờ là không đủ”
Ngoài chuyện “được”, sinh viên cũng cần chấp nhận chuyện “mất” khi đi thực tập sớm. Một trong số những điều mà sinh viên buộc phải đánh đổi là vấn đề thời gian.
Phù Thế Khang bày tỏ: “Tôi trở thành người ‘hoạt động về đêm’, cụ thể là sáng, chiều đi học, tối về làm việc, có khi làm đến sáng rồi đi học luôn. Lúc đó, tôi là người có trách nhiệm với công việc nhưng không có trách nhiệm với bản thân”.
Đối với Nguyễn Thị Ngọc (20 tuổi, sinh viên năm 3 ngành marketing Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM), một ngày 24 giờ là không đủ khi cô đi thực tập kể từ năm nhất. “Làm việc ở công ty rồi ‘chạy deadline’ trên trường đã chiếm toàn bộ thời gian của tôi. Tôi thường phải đối mặt với áp lực khủng khiếp vì deadline dồn dập, khách hàng khó chịu hay sếp la rầy”, Ngọc chia sẻ.
Sau một thời gian thử sức ở nhiều vị trí khác nhau và nghe người đi trước chia sẻ, nữ sinh viên nhận thấy: “Không nhất thiết phải đi thực tập từ sớm. Hãy lắng nghe mong muốn thực sự của mình, bởi bắt đầu sớm hay muộn không quan trọng, quan trọng là có bắt đầu”.
Thời gian là vấn đề lớn nhất sinh viên cần đánh đổi khi quyết định thực tập sớm |
nvCC |
“Trang giấy trắng” liệu có phải là trở ngại?
Thực tế cho thấy không ít nhà tuyển dụng thường đòi hỏi thực tập sinh là sinh viên năm cuối hoặc người đã có kinh nghiệm phần nào khiến sinh viên năm 1 và 2 muốn tìm cơ hội thực tập sớm.
Cũng có những nhà tuyển dụng sẵn sàng tạo điều kiện để đào tạo cho sinh viên năm 1, 2 nếu các bạn thật sự quyết tâm học hỏi và làm việc. “Việc sinh viên năm 1, 2 chưa có nhiều trải nghiệm cũng như kiến thức chuyên ngành nhưng được đào tạo tại công ty là một cơ hội tuyệt vời bởi vì những ‘trang giấy trắng’ như vậy vẫn có tiềm năng học hỏi cùng năng lực phù hợp”, Nguyễn Thị Ngọc bày tỏ quan điểm.
Trong một trường hợp cụ thể, công ty chuyên làm phim và quảng cáo The Orange Blues Film & Creative Production (TP.HCM) hiện có khoảng 5 cộng tác viên cùng thực tập sinh là sinh viên năm 1 và 2.
“Nhận CV ứng tuyển của sinh viên này, tôi thường đánh giá các bạn dựa trên những tiêu chí sau: 50% cho mức độ ‘có tâm’ của email ứng tuyển, độ chỉn chu và thái độ giao tiếp trong email; 30% cho gu thẩm mỹ; và 20% cho các kỹ năng về công việc. Ứng viên có thể chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nếu nhận thấy họ là người yêu thích công việc, cẩn thận, có khả năng gắn bó lâu dài và gu thẩm mỹ tốt thì chúng tôi không ngại đào tạo các bạn”, chị Nguyễn Mỹ Ngân (được được biết đến với tên gọi Sulla), nhà sáng lập The Orange Blues, chia sẻ.
Dù vậy, việc tuyển dụng sinh viên năm 1 và 2 vào làm việc được đánh giá là khá rủi ro vì cần nhiều chi phí, thời gian đào tạo. Không ít sinh viên nhận ra mình không phù hợp với công ty hoặc lịch học quá dày đặc đã chọn cách rời đi trước khi cống hiến.
“Lắng nghe mong muốn thật sự”
Từ những câu chuyện trên, thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban truyền thông Trường ĐH Quốc Tế-ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay, tùy theo ngành nghề và chương trình đào tạo mà sinh viên quyết định có nên đi thực tập sớm hay không.
“Sinh viên đừng quên mục đích ban đầu của mình là học, bởi dù tấm bằng ĐH không phải tất cả, nhưng nó là ‘hộ chiếu’ cho sinh viên bước vào đời”, cô Ngọc chia sẻ.
Đối với những sinh viên xác định rõ mong muốn thực tập sớm, cô Ngọc đưa ra một số lời khuyên: “Các bạn không nên so sánh mình với người khác rồi ‘lao đi’ thực tập để ‘bằng bạn bằng bè’. Sinh viên chỉ nên làm công việc đó khi thực sự yêu thích và muốn dấn thân, đừng làm khi bản thân còn ‘loay hoay’ chưa biết năng lực của mình ở đâu. Còn ở nơi thực tập, các bạn hãy giữ thái độ học hỏi, cầu thị; đồng thời tỉnh táo, sáng suốt, chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình”.
Cô Lê Thị Thanh Nhàn, trưởng ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Văn Lang, lưu ý: “Sinh viên chỉ ‘được’ khi biết cách sắp xếp thời gian giữa công việc và học tập. Các bạn cũng cần chọn công việc phù hợp với khả năng chuyên môn tại thời điểm đó, không nên thực tập chuyên sâu khi nền tảng kiến thức và kinh nghiệm chưa đủ vững. Cuối cùng là hãy tích lũy kinh nghiệm dần dần qua các năm, còn thực tập không phải con đường duy nhất”.
Bình luận (0)