Các bạn trẻ đạt giải nhất với dự án “Tận dụng nguồn lợi phế phẩm vỏ trứng muối để sản xuất phân hữu cơ”... |
Nguyễn Lê Tiến |
Dự án “Tận dụng nguồn lợi phế phẩm vỏ trứng muối để sản xuất phân hữu cơ” của nhóm sinh viên năm 3 đến từ Khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM gồm: Nguyễn Mai Hương, Phạm Gia Nguyễn, Phan Thanh Tuyền, Lê Thị Mỹ Ngọc, Trần Thị Kim Thoa. Dự án vừa đạt giải nhất cuộc thi "ULAW Startup 2022" do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức vào ngày 19.5.
Mang lại cho cây trồng sự phát triển tốt hơn
Mở đầu câu chuyện, Phan Thanh Tuyền, trưởng nhóm, cho hay quê cô ở Sóc Trăng, nơi nổi tiếng với món ăn bánh pía trứng muối. Ngày nay, sự phát triển không ngừng về nhu cầu sử dụng bánh dẫn đến sự gia tăng sản xuất trứng vịt muối. Đồng nghĩa với việc sẽ thải nhiều phế phẩm, cụ thể hơn là vỏ trứng.
Với thông tin của trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Sóc Trăng vào năm 2017 thì cơ sở sản xuất bánh pía Lương Trân có sản lượng bánh pía trung bình là 90 tấn/năm. Từ đó, Tuyền tính toán, 1 gói 4 bánh có cân nặng nửa kg cần 4 trứng. Như vậy với 90 tấn bánh cần 360.000 trứng, trung bình mỗi trứng có khối lượng là 10 g. Suy ra 1 cơ sở có thể cung cấp 3,6 tấn vỏ trứng. Nếu 50 cơ sở thì trung bình một năm có thể cung cấp 180 tấn vỏ trứng.
Vỏ trứng bị vứt gần cơ sở sản xuất bánh pía tại Sóc Trăng |
Thanh tuyền |
“Trước tình hình thực tiễn trên, nhóm tôi đã quyết định đi nghiên cứu vỏ trứng muối nhằm mục đích tìm ra được giải pháp hữu hiệu. Qua đó, nhóm nhận ra vỏ trứng có thể 'hô biến' thành phân bón giúp phát triển cây trồng”, Tuyền nói.
Tuyền còn chia sẻ hiện nay, vỏ trứng là nguyên liệu quen thuộc, được nhiều người dân sử dụng để làm phân bón cho các loại cây trồng, rau củ song sản phẩm của nhóm có những sự khác biệt mà với vỏ trứng thông thường không thể có được.
“Nhóm chúng tôi đã làm thí nghiệm phân tích tại Trường ĐH Cần Thơ và nhận thấy phân hữu cơ làm từ vỏ trứng muối đã qua xử lý theo một quy trình nhất định thì sản phẩm thu được sẽ có hàm lượng khoáng tổng và canxi cao hơn. Không những thế, hàm lượng muối trong vỏ trứng cũng giảm thấp hơn rất nhiều so với vỏ trứng muối tươi”, trưởng nhóm nói.
Theo Tuyền, nghiên cứu ở Trường ĐH Cần Thơ cho thấy vỏ trứng muối nếu đã qua xử lý theo một quy trình nhất định, sản phẩm thu được sẽ có hàm lượng khoáng tổng và canxi cao hơn |
nvcc |
Sản phẩm của nhóm Tuyền làm ra, trước hết mang lại cho cây trồng một sự phát triển tốt hơn, nhờ đó nhanh cho ra những quả to, căng tròn, ngon ngọt hơn và giúp tăng sản lượng cũng như chất lượng của cây trồng, từ đó làm nâng cao được giá thành sản phẩm.
“Có thể nói giá thành sản phẩm của chúng tôi rẻ hơn rất nhiều so với các loại phân bón có trên thị trường hiện nay, từ đó giúp giảm thiểu gánh nặng chi phí phân bón cho người nông dân. Và cao hơn nữa chính là giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường”, Tuyền chia sẻ.
Các bạn nữ Trường ĐH Luật TP.HCM với sáng kiến vỏ trứng muối |
Nguyễn Lê tiến |
"Nếu sử dụng phân bón từ vỏ trứng thì giảm được khoảng 20.000 - 30.000 đồng cho một trụ cây/năm. Nếu tính theo quy mô một cánh đồng thanh long khoảng 1.000 trụ thì mỗi năm sẽ giảm được khoảng 20-30 triệu đồng", trưởng nhóm phân tích thêm.
Được đánh giá hiệu quả khi bón trên cây thanh long
Tuyền cũng đã mất gần 7 tháng để nghiên cứu dùng phân hữu cơ làm từ vỏ trứng vịt muối bón trên cây thanh long. Kết quả là phân bón trên cây thanh long được đánh giá hiệu quả tốt hơn các loại cây khác như sầu riêng, dừa, mận….“Cây thanh long là họ xương rồng có đặc tính cần nước nhiều hơn cần đất, từ đó sản phẩm phân hữu cơ làm từ vỏ trứng giúp cho cây hút dưỡng chất hơn”, Tuyền nói.
Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 60/63 tỉnh, thành trồng Thanh Long, với diện tích 54.000 ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn tính đến năm 2018. Theo đó, trung bình 1 ha sẽ trồng 1.000 trụ, ước tính sản lượng phân cung cấp cho 54.000 ha là 54 tấn phân.
Tuyền dành gần 7 tháng để thực nghiệm dùng phân làm từ vỏ trứng lên cây thanh long |
nvcc |
Tìm hiểu rất nhiều các nguồn tài liệu liên quan đến kinh doanh
Theo cô nàng Nguyễn Mai Hương, quy trình tạo ra phân hữu cơ từ vỏ trứng muối gồm các bước: thu gom nguyên liệu từ các cơ sở sản xuất trứng muối, các lò bánh; Làm sạch nguyên liệu – loại bỏ độ mặn, đây là công đoạn quan trọng nhất bởi lẽ nếu không thực hiện được thì khả năng khi bón trực tiếp cây sẽ bị ngộ độc, sau đó phơi khô, rồi nung đốt, xay nguyên liệu. Và cuối cùng là đóng gói thành phẩm.
Vỏ trứng muối tươi được xay nhuyễn |
nvcc |
Vỏ trứng đã qua xử lý nhiệt |
nvcc |
“Khó nhất là đòi hỏi phải làm sao xử lý triệt để được nồng độ muối của vỏ trứng mà lượng khoáng chất và canxi trong trứng vẫn đảm bảo hay thậm chí là tăng thêm”, Hương nói.
Mai Hương thừa nhận chuyện về hoạch định tài chính kinh doanh là một điều gì đó rất khó để thực hiện, vì cả nhóm đều là sinh viên luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã tìm hiểu rất nhiều các nguồn tài liệu liên quan đến kinh doanh, nguồn vốn sản xuất, cách tính toán các chi phí và lợi nhuận,...
Sản phẩm phân bón hữu cơ làm từ vỏ trứng vịt muối của nhóm. Theo đó, một hũ chứa 1kg phân bón hữu cơ, tương đương gần 1,5 kg vỏ trứng muối |
nvcc |
Là người đồng hành với nhóm, anh Trần Đình Dân, sáng lập công ty TNHH Quốc tế Lâm Thị, TP.HCM, chuyên gia tư vấn kinh doanh khởi nghiệp, nhận định. "Hiện tại ý tưởng và mô hình sản phẩm đang được kết hợp với các lò bánh tại Sóc Trăng, song song đó trong tương lai sẽ được mở rộng đến các nơi chuyên cung cấp và xử lý vỏ trứng muối đến từ các vùng khác nữa... Công nghệ sản xuất sẽ được đăng ký bằng sáng chế để có thể triển khai ở diện rộng và chuẩn hơn ở một cuộc thi lớn khác khi đi vào sản xuất", anh Dân nói.
Bình luận (0)