78 tuổi, cụ Lê Văn Chấn (ngụ ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, H.Châu Thành, Tây Ninh) đang là sinh viên năm cuối lớp bác sĩ thú y (khóa học 2014 - 2016) do Trường ĐH Trà Vinh mở tại Tây Ninh.
Cụ Chấn học cùng sinh viên trẻ trên giảng đường.- Ảnh: Giang Phương |
Tại giảng đường, nhiều sinh viên không còn xa lạ gì với cụ Chấn với mái đầu bạc trắng như cước ngồi ngay ngắn trên dãy bàn đầu. Suốt 3 năm liền, cụ Chấn đều đặn đến lớp khiến nhiều sinh viên trẻ phải thán phục. Gặp chúng tôi, cụ Chấn nở nụ cười tươi: “Mình già rồi, mắt kém nên ngồi bàn đầu để dễ thấy chữ, dễ nghe giảng, chỗ nào không hiểu thì hỏi lại cho dễ”.
Hiện cụ Chấn vẫn còn đang công tác tại Ban thú y xã Đồng Khởi. Ngoài ra, cụ còn hành nghề thú y và mở phòng mạch để khám chữa bệnh cho người dân. Dù tuổi đã cao nhưng nom cụ còn rất minh mẫn, linh hoạt. Nói về chuyện học hành, cụ Chấn cho biết 3 năm trước, cụ tìm đến Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Tây Ninh để đăng ký lớp bác sĩ thú y do Trường ĐH Trà Vinh mở. Chẳng những được đặc cách trúng tuyển, nhà trường còn miễn hoàn toàn học phí cho cụ. “Bạn học cùng lớp đều ở tuổi con cháu tôi nhưng đứa nào cũng lễ phép, gần gũi lắm. Ban đầu mới bước vào học, mấy cháu cứ nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên. Dần dần thấy quen nên nhiệt tình giúp tôi”, cụ Chấn kể.
Khi giảng viên giảng bài, cụ Chấn tập trung cao độ vì sợ bị quên và ráng cố gắng không bỏ sót một tiết học nào. Những hôm bệnh thì cụ mang thuốc theo. Trong khi ở nhà, vợ cụ là bà Nguyễn Thị Ánh (80 tuổi) hằng ngày vẫn cơm nước để cụ có thời gian đi học. Gia đình cụ Chấn có 6 người con đều được ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm việc ổn định. Ngoài ra, cụ còn có khoảng 15 đứa cháu nội ngoại, hiện đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.
Giải thích lý do đi học đại học ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Chấn cho biết mình đi học không phải vì chức tước gì cả, mà đơn giản là để hiểu biết thêm. “Thế giới này rộng lớn, nhưng sức khỏe và trí tuệ mới là thứ lớn hơn cả. Tôi là bác sĩ thú y đã hơn chục năm nay rồi, nhưng cứ muốn học cao hơn để nâng cao trình độ. Thời buổi bây giờ bò, heo mắc toàn những bệnh phức tạp. Chỉ cần một chút sơ suất, thiếu hiểu biết thì chính nông dân lại là người chịu thiệt thòi”, cụ Chấn nói.
Anh Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Thú y xã An Thạnh (H.Bến Cầu), bạn học cùng lớp với cụ Chấn kể: “Cụ Chấn siêng lắm, lúc nào cũng cặm cụi học. Có rất nhiều bài học, chúng tôi chưa hiểu về thực tế phải nhờ cụ Chấn giải thích thêm”.
Nói về tấm gương tự học của cụ Chấn, thầy Nguyễn An Dân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Ninh chia sẻ: “Tôi làm công tác giáo dục đã nhiều năm nhưng trường hợp như bác Chấn đây thì thấy lần đầu. Có thể nói cụ Chấn là tấm gương sáng về tinh thần tự học rất đáng để giới trẻ noi theo”.
Bình luận (0)