Sinh viên với nghề MC: Từ thử sức đến đam mê

12/11/2017 20:30 GMT+7

Hiện nay không ít sinh viên làm thêm với công việc dẫn chương trình (MC) cho nhiều game show, đám tiệc... Theo chia sẻ của nhiều bạn, ban đầu các bạn đến với MC là để thử sức mình, nhưng rồi dần dà lại thích, đam mê nghề này.

Bắt đầu từ những sự kiện nhỏ
Để làm tốt công việc MC, các bạn cần có giọng nói hay, một chút ngoại hình và sự tự tin trước đám đông. Với sinh viên, khi chưa có nhiều kinh nghiệm, các bạn thường nhận làm MC cho các chương trình văn nghệ nhỏ ở trường, đám cưới, sự kiện,… với mức cát sê dao động từ 200.000 - 500.000 đồng.
“Khi còn đi học, mình từng làm MC cho chung kết cuộc thi học thuật của khoa. Khi dẫn, đột xuất xảy ra sự cố nên mình phải 'câu giờ' trong hơn 45 phút. Mặc dù phải chờ đợi rất lâu nhưng may là khán giả không quan tâm đến điều đó mà rất chú tâm nghe mình nói. Sau lần đó, mình bắt đầu thích và được mọi người ủng hộ theo đuổi đam mê nghề này. Còn nhớ có hôm, sau khi dẫn xong, mình ghé mua khăn giấy tẩy trang hết hơn nửa cát sê vừa nhận được...”, Nguyễn Minh Tân (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) kể.
Còn với Nguyễn Thanh Huy (sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM), nghề MC đến với cậu một cách rất tình cờ. Theo lời kể của Huy, sau lời thách thức của một người bạn, Huy đã quyết định đăng ký khóa học MC trong vòng 3 tháng. Sau khi kết thúc khóa học cũng là lúc Huy nhận ra mình đã thích và muốn gắn bó với công việc này.
Nhiều bạn cho rằng, ban đầu đi làm MC, thu nhập chỉ đủ để trang trải cho tiền xăng xe, phục trang và những phí lặt vặt khác. Tuy nhiên, đổi lại các bạn được học hỏi rất nhiều điều từ công việc này.
“Kể từ khi đi dẫn chương trình, mình được tiếp xúc với những người thành công trong xã hội, chia sẻ những bài học kinh nghiệm vô giá. Hơn nữa, mình trưởng thành và bản lĩnh hơn, biết nhìn nhận cuộc sống một cách đa chiều, đối nhân xử thế và xây dựng mối quan hệ tốt hơn trong cuộc sống. Nhờ những tình huống bất ngờ trên sân khấu mà mình rèn luyện được sự bình tĩnh và nhạy bén trước mọi vấn đề xảy ra”, Lê Thị Quý (sinh viên Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2) chia sẻ.
Cũng từ những kinh nghiệm tích lũy được đã giúp Quý trở thành quán quân cuộc thi Én sinh viên 2017.
“Học lỏm” để trở nên chuyên nghiệp
Cân bằng giữa việc học và làm thêm, nhất là làm MC, là trở ngại lớn nhất với nhiều bạn sinh viên, bởi theo họ làm MC không có thời gian cố định.
“MC là một nghề thời vụ, khi có người 'book show' thì mới làm. Do đó, mình thường xuyên bị trùng lịch học. Để giải quyết vấn đề này, mình đã không đăng ký môn học vào thứ 7, chủ nhật hay các buổi tối vì phần lớn các hoạt động cần MC sẽ diễn ra trong khung thời gian đó. Nhờ vậy mà mình có thể vừa học vừa làm”, Nguyễn Thanh Huy (sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng) chia sẻ.
Làm MC giúp Huy trở nên tự tin hơn Ảnh: NVCC
Còn với Lê Thị Quý, những buổi có lịch học ở trường, cô bạn sẽ hạn chế nhận show. Đa số Quý thường đi học buổi sáng và dẫn vào buổi tối. Bất đắc dĩ lắm, cô bạn đành nghỉ học và nhờ bạn bè giảng lại bài hôm đó.
Cũng theo Quý để trở thành một MC chuyên nghiệp không chỉ có ngoại hình mà còn cả tư duy, chẳng hạn như bản lĩnh sân khấu, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng biên tập, giọng nói, nụ cười,… Muốn như vậy, mỗi ngày, ngoài học ở trường, các bạn còn “học lỏm” kinh nghiệm từ các anh chị đi trước để từ đó, tìm những “mảng miếng” riêng cho mình.
Dẫn chương trình là công việc mà Quý đam mê từ nhỏ Ảnh: NVCC
MC sẽ giúp các bạn trở nên tự tin, hoạt ngôn tốt hơn khi tham gia ứng tuyển vào các vị trí công việc khác nhau trong tương lai. Tuy nhiên, nghề nào cũng có những rủi ro, trước khi nhận show các bạn nên tìm hiểu thật kỹ để tránh trường hợp bị quỵt tiền công, bóc lột sức lao động...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.