Sinh viên y khoa không được đụng tới bệnh án: Nỗi lo tay nghề kém

25/06/2023 06:05 GMT+7

Trong buổi làm việc với Bộ Y tế, Trưởng Khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định trong lo lắng: 'Sinh viên y năm 6 bây giờ không được đụng tới bệnh án, không viết bệnh án… Tức là càng ngày tay nghề của các em càng kém'.

PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng đoàn công tác của bộ đã có buổi tham quan, làm việc với Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào hôm qua (24.6).

Sinh viên y khoa năm 6 không được đụng tới bệnh án: Nỗi lo tay nghề kém - Ảnh 1.

Sinh viên Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hành tại phòng thực hành của khoa

NGỌC ANH

Đào tạo ngành y gặp khó về thực hành

GS-TS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, Khoa được thành lập từ năm 2009, hiện đang đào tạo 5 ngành gồm: Y khoa, dược học, răng-hàm-mặt, y học cổ truyền, điều dưỡng. Đã có 692 sinh viên ngành y khoa và 150 sinh viên ngành dược học tốt nghiệp.

Cũng tại buổi làm việc, GS-TS Đặng Vạn Phước nhận định  khoa học sức khỏe là khối ngành đặc thù. Do vậy, đào tạo ngành y phải tạo được "chân đế" kiến thức vững để bác sĩ khi hành nghề, càng lên cao thì càng vững.

"Hổng kiến thức trong ngành y, thì khó lòng bù đắp được. Nên trách nhiệm của người dạy, người đào tạo rất quan trọng.Tôi rất ngại về vấn đề thực hành, tay nghề của bác sĩ rất có vấn đề. Sinh viên y năm 6 bây giờ không được đụng tới bệnh án, không viết bệnh án… Tức là càng ngày tay nghề của các em càng kém. Nghề y vẫn là nghề học nghề, nên việc đào tạo thực hành cực kỳ quan trọng. Nhưng chúng ta đang quá tải vấn đề thực hành, quá nhiều sinh viên trong khi cơ sở thực hành không có", GS-TS Đặng Vạn Phước thông tin.

Còn GS-TS Lê Minh Trí, Phó trưởng Khoa Y, phụ trách ngành dược, cũng cho biết hiện đào tạo ngành y, dược gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc tìm kiếm giảng viên và cơ sở thực hành. Thường giáo viên thực hành đều là các bác sĩ, trong khi mức thu nhập hành nghề của họ ở các bệnh viện cao hơn nhiều so với việc đi dạy nên không nhiều người mặn mà với việc dạy thực hành cho sinh viên.

Đặc biệt, với sinh viên ngành dược, hầu như không còn công ty dược thuộc cổ phần nhà nước mà chủ yếu là công ty tư nhân. Việc các trường đào tạo ngành dược xin cho sinh viên vào thực hành cực kỳ khó khăn.

Nghề y vẫn là nghề học nghề, nên việc đào tạo thực hành cực kỳ quan trọng. Nhưng chúng ta đang quá tải vấn đề thực hành, quá nhiều sinh viên trong khi cơ sở thực hành không có

GS-TS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM)

"Kiếm đâu ra thầy dạy thực hành, rất là khó. Kể cả nhiều bác sĩ hay người quen của tôi làm việc ở các công ty dược, họ đang hưởng mức lương 6.000-7.000 USD thì làm sao chúng tôi mời họ về dạy cho mình được. Chúng tôi phải dùng quan hệ cá nhân để kiếm chỗ thực hành cho sinh viên, nhưng không nhiều", ông Trí nói.

Xem nhanh 12h ngày 25.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

TS Nguyễn Văn Quân, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, cho biết, Nghị định 111 (quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe) đã nêu rõ số giảng viên thực hành/giường bệnh tại một bệnh viện; số sinh viên thực hành/giường bệnh. Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành.

Luật đào tạo cũng ghi rất rõ, ngành y chính quy là dưới 15 sinh viên/giảng viên.

 Phòng bệnh có 18 bệnh nhân nhưng tới 82 sinh viên thực tập!

Đồng tình quan điểm trên, GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y dược TP.HCM, cũng cho rằng đây là khó khăn chung của các trường đang đào tạo khối ngành sức khỏe.

Đào tạo nguồn nhân lực y tế thì cần sự đồng bộ của cả hệ thống và giữa các trường. Điều này đòi hỏi trách nhiệm và phải có chính sách tổng thể. Ví dụ như ở Trường ĐH Y dược TP.HCM hiện nay giảng viên giảng dạy khối ngành y đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm theo phương pháp mới.

Sinh viên y khoa năm 6 không được đụng tới bệnh án: Nỗi lo tay nghề kém - Ảnh 4.

Sinh viên ngành y đang gặp khó khăn về chỗ thực tập

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Mặc dù các thầy cô dạy rất nhiều, nhưng để dạy đúng cách của ngành y là cả một vấn đề. Nên phải đào tạo giảng viên cho ngành y, đây là đặc thù riêng của ngành này, những ngành khác không có.

Còn về giảng viên trường y thì chắc chắn không bao giờ đủ, do vậy ngoài giảng viên cơ hữu của trường phải có giảng viên thỉnh giảng. Đây là khó khăn chung của các trường. Nếu giảng viên là các bác sĩ ở bệnh viện, thì câu hỏi đặt ra là làm sao giảng dạy tốt… Do vậy càng nhiều trường mở đào tạo ngành y thì càng khó khăn về đội ngũ giảng dạy", ông Diệp Tuấn nêu vấn đề.

Ông Tuấn nêu ví dụ mới đây, ở một bệnh viện lớn TP.HCM, phòng bệnh có 18 bệnh nhân nhưng có tới 82 sinh viên thực tập. Vậy giảng viên biết dạy làm sao?

Ông Tuấn nêu ý kiến, với ngành y, các trường muốn đào tạo tốt cũng rất khó khi số sinh viên thực tập quá đông.

 Nên phân luồng sinh viên thực hành ở nhiều tuyến bệnh viện 

Theo ông Tuấn, giải pháp trước mắt là những trường đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh thì sinh viên không nên thực tập ở các bệnh viện ở thành phố mà  thực tập ở bệnh viện tỉnh. Điều này được rất nhiều nước thực hiện, đây được gọi là phân luồng thực tập.

Sinh viên y khoa năm 6 không được đụng tới bệnh án: Nỗi lo tay nghề kém - Ảnh 5.

Hiện nay ở TP.HCM nhiều trường đào tạo khối ngành sức khỏe, trong đó có y khoa. Lượng sinh viên đông rất khó để các em thực hành

ĐÀO NGỌC THẠCH

Việc phân luồng sinh viên ngay từ lúc thực hành, sẽ giúp các em định hình rõ hơn công việc của mình sau này, cũng giảm tải áp lực trong việc tìm kiếm cơ sở thực hành.

Hiện nay ở TP.HCM nhiều trường đào tạo khối ngành sức khỏe, trong đó có y khoa. Lượng sinh viên đông rất khó để các em thực hành. Ông Tuấn đề xuất các bệnh viện và trường nên phân bổ được bệnh viện cho sinh viên. "Ví dụ chia ra cụm bệnh viện phối hợp với một trường nhất định, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu thực hành cho sinh viên", ông Tuấn đề xuất.

Khuyến nghị Khoa Y thành lập bệnh viện

PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương khuyến nghị Khoa Y và ĐH Quốc gia TP.HCM nên thành lập bệnh viện để sinh viên có nơi thực hành. Liên quan đến cơ sở vật chất để sinh viên thực hành, Thứ trưởng đề nghị ĐH Quốc gia TP.HCM tạo điều kiện sớm thành lập các trung tâm để sinh viên thực hành lâm sàng. "Hiện sinh viên đã gặp khó khăn trong thực hành ở các bệnh viện rồi, đến cơ sở thực hành lâm sàng cũng không có thì các em rất thiệt thòi, giảng viên cũng rất khó truyền đạt, đảm bảo chất lượng đào tạo", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.