Siro mận, bánh tai yến… có ngon không mà nhiều người tìm cách làm?

10/12/2021 11:52 GMT+7

Siro mận, bánh tai yến… có dễ chế biến, có ngon không mà nhiều người lại tra Google về cách làm nhiều nhất trong năm 2021?

Theo Google, những nội dung trong danh sách tìm kiếm năm 2021 thể hiện bức tranh toàn cảnh về các chủ đề, sự kiện thời sự, nhân vật, giải trí, thể thao, du lịch, địa điểm và cả những câu hỏi mà người Việt quan tâm nhiều nhất.

Điểm đặc biệt trong Danh sách Tìm kiếm nổi bật của người Việt Nam năm 2021 là top 10 “cách làm”. Trong đó cụm từ “cách làm siro mận” đứng đầu danh sách.

Ngon, rẻ, dễ làm

Chị Trần Huyền Châu, 28 tuổi, ngụ Đội Cấn, Hà Nội cảm thấy khá bất ngờ khi cụm từ “cách làm siro mận” lại được nhiều người tìm kiếm.

Nhìn lại, chị Huyền Châu cũng giật mình khi bài viết chia sẻ về cách làm siro mận mà chị đăng tải trên một nhóm hội nấu ăn ở Facebook hồi tháng 5 lại thu về hơn 10.000 lượt thích và “thả tim”.

“Với tôi, siro mận là thức uống thơm ngon hấp dẫn nhờ vị chua chua, ngọt ngọt vô cùng kích thích vị giác, phù hợp với mọi lứa tuổi. Màu sắc đẹp nữa. Tầm tháng 5 và tháng 6 là vào mùa mận nên giá khá rẻ chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/ký, do đó tôi nghĩ mọi người yêu thích làm món này”, chị chia sẻ.

Những trái mận được chị Châu chế biến nhiều món khác nhau

nvcc

Chị Châu cho biết cách làm siro mận khá đơn giản. Chỉ lưu ý khi sên, điều chỉnh lửa để không bị cháy. Nguyên liệu chỉ cần đường, 1 củ gừng tươi, muối tinh.

Chị Châu cũng hướng dẫn cách làm: Rửa mận thật sạch, rồi ngâm với nước muối loãng 30 phút. Sau đó khía mận (1 nửa khía dọc, nửa còn lại khứa ngang). Cho mận với đường ngâm tới khi đường tan hết. Sau khi đường tan, cho hỗn hợp mận đường vào đun với lửa nhỏ tới khi trái mận hơi quắt lại.

Những trái mận được chị Châu khía tỉ mỉ

Thức uống siro mận và mứt mận

nvcc

Kế tiếp, vớt mận ra bát riêng, phần nước (siro) thu được cho vào lọ thủy tinh để pha nước uống. Còn gừng tươi thái sợi, vắt hết nước, cho vào 2 thìa muối rồi trộn cùng mận đã được đun 1 lần. Cuối cùng cho vào nồi đun với lửa nhỏ tới khi mận dẻo lại là tắt bếp, để nguội cho vào lọ ăn dần.

Chị Châu chia sẻ nước siro mận chị bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, dùng quanh năm suốt tháng vẫn ngon.

Ấm êm hạnh phúc khi gian bếp còn hoạt động

Bảng xếp hạng về “cách làm” được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2021 mà Google công bố chủ yếu là... những món ăn.Từ vị trí thứ hai trở đi gồm: Cách làm bánh mì, tai yến, bột chiên, giá đỗ tại nhà, chuối chiên, ô mai mận, bánh khoai mỡ, chè trôi nước, mứt mận.

Đặc biệt, những “cách làm” của các món này được nhiều người "tra hỏi” rơi vào tháng 6,7,8, thời điểm mà dịch Covid-19 hoành hành ở TP.HCM và nhiều địa phương.

Anh chàng 9X, Huỳnh Khánh Duy, 27 tuổi, ở Bến Tre, cũng đã từng tra Google “cách làm bánh tai yến” vào những tháng ngày ở nhà tránh dịch.

Bánh tai yến mà anh Duy làm ra trong mùa dịch vừa qua

nvcc

Anh Duy chia sẻ món bánh tai yến nhìn đơn giản mà không hề... giản đơn. “Theo như tôi biết do hình dáng của bánh giống như tổ chim yến nên dân gian đặt như thế. Tôi đã làm thử và đưa ra được công thức của mình. Theo tôi, để bánh được nổi đẹp, mình cần nhồi bột nhiều, không gấp gáp được, để bột nở bóng khí càng nhiều càng tốt. Đặc biệt phải sử dụng chiên bằng chảo có lòng sâu”.

"Thời điểm chia sẻ công thức, tôi cũng khá bất ngờ vì nhiều anh, chị bình luận, nhắn tin cùng chia sẻ với nhau cách làm bánh tai yến và sau đó nó được lên xu hướng, rất nhiều bạn làm theo. Bánh tai yến chín vàng đều, thơm ngon. Bánh khi ăn sẽ có độ giòn ở viền, bên trong dai mềm và thơm béo, rất ngon”, anh chia sẻ thêm.

Anh Khánh Duy còn nói: “Mùa dịch vừa rồi tôi cũng làm việc tại nhà nên thời gian nấu ăn cũng nhiều hơn so với bình thường. Gia đình mà, ấm êm hạnh phúc khi gian bếp còn hoạt động. Qua đợt dịch này, quây quần bữa ăn cùng gia đình, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của cuộc sống. Tiền không phải là tất cả mà có sức khỏe, có thời gian dành cho những người thân trong gia đình mới là điều trân quý nhất”.

Chị Châu mong muốn nhiều người cố gắng dành thời gian nấu ăn cho gia đình

nvcc

Không chỉ anh Duy, chị Châu cũng mong nhiều người vào bếp hơn, tìm thêm cách làm các món khác để chế biến cho gia đình của mình thưởng thức mỗi khi rảnh rỗi. “Vào bếp nấu ăn cho gia đình, tôi thấy vui lắm. Mỗi khi các con hào hứng ăn hay tham gia làm cùng thì tôi cảm nhận được giá trị kết nối tình cảm gia đình rất nhiều", chị Châu chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.