Theo nhà sản xuất Rheinmetall, Skynex dùng để chống lại máy bay không người lái chiến thuật cỡ lớn, tên lửa không đối đất, súng cối và đạn pháo phản lực.
Tổ hợp này bao gồm một radar thu thập mục tiêu 3D, có khả năng xác định các mối đe dọa trên không trong phạm vi 50 km.
Một tổ hợp Skynex có thể vận hành tới 4 súng máy mà theo Rheinmetall có thể bắn tới 1.000 viên đạn 35 mm mỗi phút. Theo nhà sản xuất, mỗi súng cũng được trang bị radar theo dõi, TV và camera hồng ngoại cũng như máy đo khoảng cách bằng laser để tấn công "kể cả mục tiêu nhỏ nhất".
Cũng theo nhà sản xuất, Skynex có thể hoạt động phối hợp với các hệ thống phòng không khác, bao gồm cả các tổ hợp tên lửa tầm xa Patriot của Mỹ. Sự kết hợp như vậy giúp tạo nên một lưới bảo vệ rộng rãi, ngăn chặn cả những mục tiêu nhỏ như UAV lẫn những mối đe dọa lớn như tên lửa đạn đạo.
Quân đội Ukraine đã được đồng minh phương Tây cung cấp rất nhiều hệ thống phòng không, bao gồm cả Patriot. Tuy nhiên, tư lệnh quân đội Serhii Naiev gần đây cảnh báo rằng các hệ thống phòng không di động đã sắp hết đạn sau các đợt tập kích liên tục của Nga. Tướng Naiev nói với hãng tin AFP hôm 3.1 rằng Ukraine chỉ có đủ tên lửa cho các hệ thống Patriot của mình để "chống cự thêm một vài cuộc tấn công mạnh mẽ".
Skynex có khả năng đánh chặn nhiều loại mục tiêu, và hiệu quả hơn Patriot khi đánh chặn các mục tiêu nhỏ, chuyển động nhanh như máy bay không người lái (UAV). Skynex cũng có thể đương đầu với chiến thuật UAV bầy đàn nhờ loại đạn đặc biệt của mình.
Trong khi đó, Patriot lại tốt hơn về khả năng hạ tên lửa đạn đạo tầm xa.
Bên cạnh đó, Skynex có ưu điểm là rất dễ vận chuyển, qua đó giảm nguy cơ bị đối phương xác định vị trí và tấn công.
Skynex có giá phải chăng hơn nhiều so với các hệ thống Patriot. Mỗi hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ có giá khoảng 1,1 tỉ USD, trong khi Đức đã ký hợp đồng mua hai hệ thống Skynex với giá chỉ 200 triệu USD.
Bình luận (0)