Smartphone chiếm nhiều thời gian mỗi ngày của người Việt

05/04/2024 14:23 GMT+7

Trong gần 30 ứng dụng được dùng thường xuyên, người Việt vẫn dành phần nhiều thời gian cho các mạng xã hội trên smartphone để giao tiếp hằng ngày.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thực hiện trên một nhóm người dùng tại Việt Nam, thời gian trung bình họ dành để sử dụng smartphone là 5,5 giờ, với số lượng ứng dụng thường dùng mỗi tuần lên tới 27. Điều này phần nào cho thấy vai trò của điện thoại thông minh trong cuộc sống hằng ngày hiện đại.

Tuy nhiên, nghiên cứu được thực hiện từ một phần dữ liệu đo đạc bởi tính năng "Screen Time" (theo dõi thời gian sử dụng màn hình trên iPhone), không đề cập tới nhóm người sử dụng Android.

Một trong số các phát hiện từ nghiên cứu là thời gian sử dụng không cân đối giữa các phần mềm trên máy của nhóm người tham gia khảo sát. Cụ thể, Top 5 chương trình được dùng nhiều nhất chiếm tới 77% tổng thời gian sử dụng điện thoại di động và đa phần là mạng xã hội. Đứng đầu trong số này là Facebook, chiếm 33% thời gian. Tiếp theo lần lượt là TikTok (16%), Zalo (15%), Messenger - ứng dụng chat tích hợp của Facebook (7%) và cuối cùng là YouTube (6%).

Có thể thấy Facebook liên tục duy trì vị trí số một trong số các nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam nhờ nhiều tính năng đa dạng, trở thành trung tâm thông tin, kết nối. TikTok và YouTube là những nền tảng chia sẻ video được quan tâm hàng đầu, trong khi Zalo vẫn phổ biến hơn Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tin OTT được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Không khó để bắt gặp cảnh người dùng sử dụng điện thoại trên phố

Không khó để bắt gặp cảnh người dùng sử dụng điện thoại trên phố

Anh Quân

Cũng theo báo cáo, TikTok có sức tăng trưởng mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng sự vươn lên của nền tảng này không bó hẹp tại thị trường Việt Nam mà đã có nhiều nghiên cứu cho thấy mạng xã hội video ngắn của Trung Quốc đang phổ biến nhanh chóng ở quy mô toàn cầu. Ngoài nhiệm vụ giải trí, TikTok cũng có tính năng mua sắm (TikTok Shop) để góp phần tăng trưởng đáng kể về tần suất sử dụng của nền tảng tại Việt Nam.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều ứng dụng liên quan đến lối sống (Lifestyle) gồm phần mềm về tài chính, gọi xe công nghệ, thương mại điện tử đang tăng trưởng nhanh chóng về lượt cài đặt lẫn thời gian tương tác.

Nếu như năm 2023, có 57% người tham gia khảo sát cho biết đang tương tác với ứng dụng thương mại điện tử thì chỉ tính tới hết tháng 1.2024, tỷ lệ này đã lên tới 70%. Phần mềm gọi xe công nghệ cũng tăng đáng kể với 50% người dùng sử dụng không chỉ để di chuyển mà còn đặt đồ ăn/uống hay giao hàng, trở thành một trong những phần mềm thiết yếu hằng ngày trên smartphone.

Nhóm phần mềm tài chính không nằm ngoài xu hướng phổ cập hóa khi 80% người dùng cho biết đang sử dụng ít nhất một ứng dụng ngân hàng trực tuyến, 45% đã áp dụng giải pháp thanh toán di động như ví điện tử MoMo. Đây được xem là động lực tích cực trong công cuộc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt khi ngày càng nhiều người sử dụng giao dịch trực tuyến.

So với các năm trước, thời gian sử dụng smartphone trung bình của người Việt đang có xu hướng giảm dần. Theo báo cáo "Những ứng dụng di động phổ biến với người Việt 2023" do chính Q&Me đưa ra năm ngoái với cùng khoảng thời gian thực hiện nghiên cứu và phương thức lấy mẫu, người Việt năm 2023 dành trung bình 6,2 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng smartphone. Kết quả này cũng giảm nhẹ so với mức 6,5 giờ/ngày được đưa ra vào năm 2022 - khi người dùng phải ở nhà nhiều hơn vì Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.