Trong một phiên điều trần chưa từng có tiền lệ trước Quốc hội, lãnh đạo 3 cơ quan tình báo lớn của Anh cho biết tiết lộ của Snowden khiến họ suy nghĩ về chuyện sẽ công khai hơn về những việc họ đang làm, Reuters đưa tin hôm 7.11.
|
Tuy nhiên, các quan chức tình báo này cũng nói rằng phần lớn công việc của họ vẫn phải được đặt trong vòng bí mật vì lý do an ninh quốc gia.
Ngoài ra, lãnh đạo 3 cơ quan này cũng thừa nhận những thông tin mật bị rò rỉ, phanh phui việc tình báo Anh hợp tác chặt chẽ với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã gây thiệt hại nặng nề cho các cơ quan này.
“Điều này gây nguy hiểm cho các hoạt động của chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông John Sawers, người đứng đầu MI6, cơ quan tình báo nước ngoài của Anh, phát biểu trong phiên điều trần.
“Rõ ràng là kẻ thù của chúng ta đang xoa tay khoan khoái. Al Qaeda chắc đang rất vui sướng”, ông Sawers nói thêm.
Giới quan sát nhận định phát biểu của ông Sawers cho thấy rõ sự giận dữ của các chỉ huy tình báo đối với Snowden.
Được biết, các tổ chức nhân quyền, một số báo đài và nghị sĩ thuộc tất cả các đảng phái chính trị tại Anh đã tranh luận rằng tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ về quy mô do thám của chính phủ cho thấy cần phải đặt các cơ quan tình báo dưới sự kiểm soát gắt gao hơn.
Ông Iain Lobban, Giám đốc GCHQ, cơ quan tình báo điện tử Anh, phát biểu tại phiên điều trần rằng các lãnh đạo tình báo đang “sôi nổi” cân nhắc xem liệu có nên chia sẻ thêm nhiều thông tin về công việc tình báo với công chúng hay không.
Nhưng ông cũng lập luận rằng một số phần vẫn phải được bảo mật, viện dẫn những ví dụ cho thấy tiết lộ của Snowden gây hại cho an ninh quốc gia.
“Chúng tôi thực sự đã đọc được những đoạn trò truyện trực tuyến của các nhóm khủng bố, tranh luận về cách tránh dùng các phương pháp liên lạc mà giờ chúng đã thấy là dễ bị phát hiện và về cách lựa chọn các phương pháp mà giờ chúng nhận ra rằng khó bị phát giác”, ông Lobban cho hay.
Giám đốc GCHQ cũng nói thêm rằng cơ quan này không nghe lén điện thoại hay đọc lén email của phần lớn người dân Anh vì đây là phạm pháp, đồng thời khẳng định chỉ làm vậy với những trường hợp cá biệt.
Xuất hiện trong phiên điều trần lần này còn có sự tham dự của ông Andrew Parker, Giám đốc cơ quan tình báo nội địa MI5.
Trong quá khứ, những phiên điều trần kiểu này luôn là họp kín và mãi đến năm 1992 danh tính của giám đốc MI6 được công bố công khai. Cơ quan này được thành lập hồi năm 1909.
Hoàng Uy
>> Mỹ sẽ mạnh tay với ‘kẻ phản quốc’ Edward Snowden
>> Lo sợ Mỹ nghe lén, nghị sĩ Thụy Sĩ muốn gặp Snowden
>> Tình báo Úc lo sợ nhân viên bắt chước Snowden
>> Snowden đồng ý giúp Đức điều tra vụ Mỹ nghe lén
>> Snowden kiếm được việc làm ở Nga
>> Tai mắt' Mỹ ở nước ngoài có thể bị lộ vì Snowden
Bình luận (0)