Hai quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ rằng một sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại trụ sở Bộ chỉ huy chuyển đổi liên minh (ACT) của NATO tại Norfolk, bang Virginia (Mỹ) đã xin tị nạn tại Mỹ, theo Reuters ngày 9.8. Tên tuổi và cấp bậc của sĩ quan này không được tiết lộ.
Tuy nhiên, một quan chức làm việc tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Washington (Mỹ) cho hay chuẩn đô đốc hải quân Mustafa Ugurlu đã không ra trình diện chính quyền sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh bắt giữ ông này hồi tháng 7.
Quan chức sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ không hay biết về việc xin tị nạn nhưng nói rằng ông Ugurlu đã để lại phù hiệu, thẻ căn cước tại căn cứ rồi bỏ đi từ ngày 22.7 và đến nay không ai nghe tin gì về ông. NATO từng đăng thông tin trên trang web rằng ông Ugurlu là trợ lý tham mưu trưởng về các hoạt động chỉ huy và kiểm soát, triển khai và phát triển bền vững tại trụ sở ACT.
Một quan chức quốc phòng Mỹ ước tính có khoảng 160 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ được chỉ định công tác tại Mỹ, gồm 26 người làm nhiệm vụ tại trụ sở ACT ở Norfolk. Theo quan chức đại sứ quán, hai sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ cấp thấp hơn tại Mỹ cũng đã nhận được lệnh gọi về nước nhưng không phải là lệnh bắt giữ.
tin liên quan
Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh truy nã giáo sĩ GulenTòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh truy nã giáo sĩ Gulen sau cáo buộc ông này đứng sau vụ đảo chính. Tổng thống Erdogan cũng ra lệnh "xử" các tổ chức có liên quan đến ông Gulen.
Đây là trường hợp sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên xin tị nạn tại Mỹ sau khi chính quyền Ankara tiến hành cuộc “thay máu” mạnh mẽ vì vụ đảo chính bất thành ngày 15.7; hơn 240 người đã thiệt mạng và gần 2.200 người bị thương trong vụ đảo chính này.
Việc xin tị nạn này có thể làm trầm trọng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999, là người chỉ đạo vụ đảo chính.
Ông Erdogan đã yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag còn cho rằng người Thổ đang chuyển sang căm ghét Mỹ và làn sóng chống Mỹ chỉ dịu đi chừng nào Mỹ cho dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Mỹ thì nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ cần cung cấp bằng chứng rõ ràng cho thấy hành động sai trái của ông Gulen. Giáo sĩ này phủ nhận cáo buộc liên quan đến vụ đảo chính.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc thanh trừng mạnh tay nhắm vào lực lượng ủng hộ giáo sĩ Gulen trong quân đội, các cơ quan nhà nước, trường học và truyền thông. Chiến dịch này khiến phương Tây lo ngại cho nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Có 16.000 người đã bị bắt và chờ ngày xét xử; khoảng 6.000 người bị bắt và đang chờ thụ lý hồ sơ trong khi 7.668 người khác bị điều tra, theo Bộ trưởng Tư pháp Bozdag.
Bình luận (0)