Sở Công thương lấy ý kiến về quy định giờ bán tại cửa hàng xăng dầu

25/10/2022 17:16 GMT+7

Sở Công thương TP.HCM cho rằng cần có quy định chi tiết về giờ bán, trường hợp dừng bán... tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để... có cơ sở xem xét, xử lý các hành vi vi phạm nếu có.

Sở Công thương TP.HCM lấy ý kiến dự thảo tờ trình, quyết định ban hành quy định giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.

Dự thảo vừa được Sở Công thương TP.HCM đưa ra lấy ý kiến rộng rãi kể từ hôm nay (25.10.2022).

Bộ trưởng Bộ Công thương: “Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu”

Theo quy định, các doanh nghiệpcửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện gửi thông báo đăng ký thời gian bán hàng đến Sở Công thương. Tổng thời gian bán hàng trong một ngày và giờ bán hàng cụ thể do doanh nghiệp tự quyết. Sở Công thương TP.HCM cho rằng, có trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động 24/24 giờ, trong khung giờ từ 6 - 18 giờ hàng ngày, hay chỉ bán đến 17 giờ hàng ngày.

Trong khi đó, thời điểm 17 - 18 giờ hàng ngày là giờ tan tầm, lượng xe lưu thông lớn và có nhu cầu đổ xăng dầu rất cao. Do vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp đăng ký, thay đổi, giảm thời gian bán hàng, nhất là trong trường hợp nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, thành phố cần có các quy định cụ thể về thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Sở Công thương TP.HCM đang lấy ý kiến dự thảo tờ trình về quy định giờ bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu

CTV

Về gửi đăng ký thời gian bán hàng, cụ thể, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu “phải đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân với sở công thương địa phương nơi cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng đó”. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ nên việc thực hiện chưa đồng bộ, việc tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật chưa nghiêm. Có trường hợp doanh nghiệp không kịp thời thông báo đăng ký thời gian bán hàng, không thông báo khi thay đổi thời gian bán hàng hoặc thông báo giảm thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu...

Với các trường hợp tạm dừng bán hàng, dự thảo nêu, quy định cửa hàng chỉ dừng bán khi được sở công thương chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng như cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng. Thế nhưng, trong thực tế, qua kiểm tra, cá biệt có trường hợp đối phó của doanh nghiệp. Hay việc gửi thông báo tạm dừng bán hàng của doanh nghiệp về sở công thương thường chỉ sớm hơn 1 - 2 ngày so với thời gian tạm dừng bán hàng được đề cập trong văn bản của doanh nghiệp, vẫn có trường hợp thời gian đề xuất tạm dừng bán hàng là thời gian ban hành văn bản. Theo đó, không đảm bảo được khung thời gian tối thiểu để Sở Công thương có thể xem xét, kiểm tra và có ý kiến chấp thuận hoặc từ chối nếu lý do tạm dừng bán hàng không hợp lý; chưa đảm bảo việc thực hiện nghiêm theo quy định “Chỉ ngừng bán hàng sau khi được sở công thương chấp thuận bằng văn bản…”.

Từ đó, Sở cho rằng, cần thiết ban hành quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng thống nhất để làm cơ sở thực hiện, theo đó cần thiết quy định thời gian tối thiểu trước khi dừng bán hàng, doanh nghiệp có cửa hàng bán lẻ xăng dầu dự kiến dừng bán hàng có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản đến Sở Công thương. Đồng thời quy định thời gian để Sở Công thương xem xét, kiểm tra lý do dừng bán hàng và có văn bản chấp thuận, hoặc không chấp thuận (trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do) và gửi doanh nghiệp để biết và thực hiện; quy định cụ thể đối với trường hợp gia hạn/kéo dài thời gian dừng bán hàng và trách nhiệm của doanh nghiệp, sở công thương; trong các trường hợp khẩn cấp (cháy nổ, lũ lụt, mất điện, hoặc doanh nghiệp có việc cưới, việc tang, bị tai nạn...) thì cần cơ chế thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng để xem xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.