Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19.
Văn bản nêu rõ: "Trường ngoài công lập cần thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh".
Tuy nhiên, Sở này cũng yêu cầu tiền hỗ trợ học online, số tiền học phí đã thu và tiền học phí của các tháng học còn lại (sau khi học sinh trở lại trường) không vượt quá tổng số tiền học phí cả năm của học sinh đã được nhà trường thông báo.
Việc dạy học online phải được nhà trường xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung các bài giảng theo đúng quy định. Quá trình tổ chức dạy học online của nhà trường phải đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, sư phạm, chất lượng. Sau khi học sinh trở lại trường, cần tiếp tục rà soát, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh, đảm bảo học sinh được học đầy đủ chương trình, nội dung, kiến thức theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Như vậy, chỉ sau vài ngày, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thay đổi quan điểm chỉ đạo về việc thu phí hỗ trợ dạy học trực tuyến. Cụ thể, ngày 12.3, tại công văn về việc chỉ đạo, quản lý việc dạy học của giáo viên, học sinh trong thời gian nghỉ phòng dịch bệnh, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu: "Các trường không được thu bất cứ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh khi tổ chức dạy học online, kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên".
Tại văn bản vừa ban hành, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh yêu cầu các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện cần tham khảo, sử dụng nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.
Từng nhà trường chủ động lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của trường mình. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện đảm bảo tổ chức dạy học qua internet có chất lượng, khuyến khích các trường học, thầy cô giáo, học sinh có nhu cầu tự nguyện sử dụng hệ thống học trực tuyến của các tổ chức, cá nhân có bản quyền cung cấp.
Các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Văn bản nêu: khi học sinh đi học trở lại, các trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung, kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Như Thanh Niên đã thông tin, liên quan đến việc thu phí hỗ trợ việc dạy học trực tuyến ở các trường ngoài công lập, ngày 17.3, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ GD-ĐT, khẳng định Bộ GD- ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ. Đối với các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online… thì việc thu phí là thỏa thuận giữa nhà trường và gia đình học sinh. Bộ không quy định chương trình và mức thu cho các chương trình bổ trợ này.
Ông Khánh cũng khẳng định: "Bộ GD- ĐT không thể hướng dẫn việc này, vì đây là các hoạt động ngoài kế hoạch và chương trình. Các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí, đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai".
|
Bình luận (0)