Sở GD-ĐT Hải Dương ra chỉ đạo về phòng chống bạo lực học đường

26/09/2023 18:47 GMT+7

Trước tình trạng bạo lực học đường cùng với các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường công tác đảm bảo an toàn tại trường học.

Chiều 26.9, thông tin tới PV Báo Thanh Niên, ông Phạm Hải Ninh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, chiều cùng ngày, sở này đã ra văn bản chỉ đạo tới các cơ sở giáo dục, các đơn vị chuyên môn trực thuộc trên địa bàn toàn tỉnh tăng cường công tác đảm bảo an toàn tại trường học.

Giáo dục kỹ năng sống, không để xảy ra bạo lực học đường

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những vụ việc ảnh hưởng đến an toàn trường học như: bạo lực học đường; dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng thuốc lá điện tử; tình trạng ngộ độc, mất an toàn thực phẩm; tai nạn thương tích, đuối nước…

Một số vụ việc đã gây xôn xao dư luận xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học của các nhà trường.

Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường hay những tai nạn, sự việc đáng tiếc xảy ra, Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương đề nghị các đơn vị chỉ đạo bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường.

Rà soát toàn bộ cơ sở vật chất trường học, cây xanh trồng trong khuôn viên nhà trường, kịp thời khắc phục các hạng mục xuống cấp, không an toàn. Thực hiện tốt công tác vệ sinh trường lớp, đảm bảo khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm sạch đẹp, thân thiện; hoàn thành sửa chữa, thanh lý các thiết bị hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng.

Sở GD-ĐT Hải Dương ra chỉ đạo về phòng chống bạo lực học đường - Ảnh 1.

Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương

C.T.V

Kiểm tra thường xuyên chất lượng công trình, thiết bị phục vụ hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, giải trí của học sinh, học viên và tự khắc phục hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Duy trì thường xuyên việc giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho người học. Thực hiện giáo dục lồng ghép, tích hợp các nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống bạo lực, tác hại của thuốc lá trong các môn học và hoạt động giáo dục.

Thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định hiện hành đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Cảnh báo thường xuyên về nguy cơ, cách phòng, chống tai nạn thương tích thường xảy ra như đuối nước, tai nạn giao thông và tai nạn thương tích khác; phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực trong nhà trường, trong cộng đồng và trên môi trường mạng xã hội, thực hiện thường xuyên theo từng năm học.

Tăng cường truyền thông về những gương người tốt, việc tốt, lối ứng xử hay, hành động đẹp, lan tỏa tâm lý tích cực trong giáo viên và người học; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường...

Giải quyết các vướng mắc theo quy chế dân chủ

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, ngoài việc phòng chống bạo lực học đường cùng các tệ nạn xã hội, lãnh đạo các cơ sở giáo dục phải kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh để chủ động giải quyết các vướng mắc theo quy chế dân chủ, không để tồn đọng các vấn đề phức tạp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Lắng nghe, tôn trọng, sẵn sàng đối thoại giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giữa cán bộ quản lý, giáo viên với người học để kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng và các vướng mắc phát sinh, kịp thời giải quyết thấu đáo với mục tiêu tốt nhất cho học sinh, học viên, giáo viên.

Trong mỗi học kỳ, tổ chức ít nhất 1 buổi tọa đàm, đối thoại giữa cán bộ quản lý, giáo viên với người học. Áp dụng các biện pháp phù hợp để khuyến khích, động viên người học mạnh dạn bộc lộ suy nghĩ, trình bày quan điểm về các hoạt động giáo dục của nhà trường, về văn hóa ứng xử giữa thầy cô giáo với học sinh, giữa học sinh với học sinh.

Sở GD-ĐT Hải Dương ra chỉ đạo về phòng chống bạo lực học đường - Ảnh 2.

Sự việc nữ sinh lớp 7 Trường THCS Võ Thị Sáu ở Hải Dương bị lớp trưởng đánh là điều đáng tiếc và có thể được phòng ngừa

WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

Thiết lập và sử dụng hiệu quả kênh thông tin như hộp thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng và các hình thức phù hợp khác để thu thập thông tin và cảnh báo, ngăn chặn nguy cơ gây mất an toàn cho người học.

Tăng cường công tác bảo vệ, kiểm soát người lạ vào trường học, đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tư số 31 năm 2017 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh của nhà trường và xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh theo từng năm học, thực hiện từ đầu năm học. Thiết lập đường dây tư vấn tâm lý của nhà trường để kịp thời nắm bắt, tư vấn tâm lý cho học sinh có nhu cầu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.