Sở GD-ĐT TP.HCM nói về khoản chi thù lao của NXB Giáo dục

06/12/2019 10:39 GMT+7

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, khoản tiền NXB Giáo dục chi trả cho lãnh đạo sở này không phải là thù lao phát hành sách.

Trước những thông tin liên quan đến việc NXB Giáo dục chi trả thù lao hằng tháng cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM như Báo Thanh Niên đăng trong các ngày vừa qua, sáng 6.12, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã có trả lời chính thức: Thù lao mà NXB Giáo dục chi cho cán bộ, chuyên viên Sở là thù lao Sở hỗ trợ NXB về công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn… trong quá trình biên soạn bộ SGK mới. Đây không phải là thù lao cho cán bộ Sở trong việc phát hành sách.

Ông Hiếu cũng nói, trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, khi đề cập đến việc lựa chọn SGK lớp 1 sử dụng cho năm học 2020- 2021, Sở đã lưu ý, thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, năm học 2020 - 2021, quyền lựa chọn SGK thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông. Như vậy hiệu trưởng trường tiểu học cùng tập thể giáo viên sau khi tham khảo ý kiến của học sinh, phụ huynh, sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp 1.

Ông Hiếu cũng cho biết, tất cả SGK đã được Bộ thẩm định, phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để thực hiện trong các trường. Bộ sách nào cũng có nét hay riêng, việc lựa chọn là quyền của đơn vị trường học. Để có đủ cơ sở đề xuất, tham mưu về sách, lãnh đạo Sở cho rằng các trường học nên bổ sung đầy đủ cho tủ sách dùng chung và giáo viên phải đọc hết tất cả các bộ sách.

Trước lo lắng có hay không bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường dùng một bộ sách khác nhau của phóng viên, ông Hiếu cũng khẳng định từ nhiều năm nay thành phố thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực chứ không kiểm tra nội dung trong SGK. Vì vậy, các trường “đừng băn khoăn việc ngữ liệu của sách này khác sách kia”. Thêm vào đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng cần có sự tham khảo nhiều nguồn tài liệu để đa dạng hóa cách tiếp cận kiến thức, tạo hứng thú cho học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.