Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường có biện pháp ngăn ngừa bạo lực học đường

24/10/2022 09:15 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường không xem nhẹ công tác giáo dục chính trị tư tưởng và có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng bạo lực học đường.

Hình ảnh học sinh bị đánh trong lớp học được tung lên mạng xã hội

ẢNH CẮT TỪ CLIP

Nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và hình thành các phẩm chất, năng lực cho học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Sở GD-ĐT TP.HCM ngày 24.10 chỉ đạo các trường kiên quyết khắc phục tư tưởng chuyên môn đơn thuần, xem nhẹ công tác chính trị tư tưởng và ngăn ngừa hiệu quả tình trạng bạo lực học đường.

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường phải xây dựng quy trình rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Nhà trường đồng thời có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp của học sinh, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

Nhà trường đồng thời tổ chức can thiệp, trợ giúp hoặc kết nối với gia đình, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng can thiệp, trợ giúp đối với học sinh cần can thiệp, trợ giúp khẩn cấp hoặc có nhu cầu can thiệp, hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng.

Mỗi cơ sở giáo dục chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tăng cường kỹ năng thực hành, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ... Các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với những mục tiêu giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và chú trọng công tác an toàn trong quá trình tổ chức.

Ngoài những chú ý đến các hoạt động nhằm ngăn ngừa bạo lực, Sở GD-ĐT đề nghị các trường chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực của địa phương và doanh nghiệp, từng bước triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, thực hành tại doanh nghiệp nhằm sớm định hướng nghề nghiệp và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, việc làm, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho học sinh.

Bên cạnh đó, các trường cần tổ chức những lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống (hoặc hoạt động giáo dục có liên quan), tư vấn nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.