Câu chuyện đề xuất thu phí vỉa hè tại TP.HCM dù mới chỉ nằm trên giấy nhưng đã gây ra không ít ý kiến trái chiều.
Có rất nhiều vấn đề được đặt ra từ đề xuất này, ví như: cho thuê vỉa hè thì có ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tuyến được nào sẽ được quy hoạch cho thuê, diên tích vỉa hè được cho thuê thế nào, tiền thuê có được chia lại cho các hộ dân có nhà mặt tiền ngay tại vỉa hè đó hay không… Có không ít thắc mắc và đôi khi tiềm ẩn cả những mâu thuẫn về lợi ích khi thực hiện đề xuất này.
Sở GTVT giải đáp chuyện TP.HCM đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè
Không phải tuyến đường nào cũng thực hiện
Chiều 21.9.2023, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT) đã thông tin về việc triển khai thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố.
Theo ông Ngô Hải Đường, không phải tuyến đường nào trên địa bàn TP.HCM cũng kinh doanh, cho thuê, mà phải đủ các điều kiện. Khi tuyến đường đó đủ điều kiện thì quận, huyện mới khảo sát, đưa ra lộ trình, biện pháp triển khai thực hiện thu phí vỉa hè, lòng đường.
Việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải đảm bảo nguyên tắc chung là lòng đường, hè phố phải được ưu tiên cho mục đích giao thông.
Trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các trường hợp ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm: không gây mất trật tự an toàn giao thông; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5 mét; phần lòng đường còn lại đủ bố trí 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông và phải phân định cụ thể đối với phần dành cho giao thông; phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố; và phải được cơ quan chức năng cấp phép hoặc chấp thuận.
Nộp 100% vào ngân sách nhà nước
Ông Ngô Hải Đường cũng nhấn mạnh, trong thực thực hiện thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường, nguyên tắc đồng thuận của người dân được đặt lên cao nhất, tránh mâu thuẫn lợi ích giữa người cho thuê và người khai thác.
Việc thực hiện để tránh mâu thuẫn lợi ích giữa người cho thuê và người khai thác thì chúng tôi cũng đang hướng dẫn các quận, huyện phải lấy ý kiến của người chủ nhà, để việc đảm bảo nguyên tắc đồng thuận khi trình, đưa ra phương án sẽ khả thi và tránh mâu thuẫn.
Việc này cũng đã có hướng dẫn để các quận, huyện trong quá trình xây dựng đề án khai thác, đặc biệt là kinh doanh buôn bán, làm sao phải đưa ra các nội dung, trong đó có cam kết của người sử dụng, cam kết và trách nhiệm của các đơn vị triển khai thực hiện như là quận, huyện, phường, xã trong quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện đối với công tác này.
TP.HCM bắt đầu thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường từ năm 2024
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT) TP.HCM, cho biết thêm, sắp tới, sau khi UBND TP.HCM ban hành kế hoạch triển khai thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường thì Sở GTVT và UBND các quận, huyện sẽ tiến hành rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè với các chức năng, hoạt động cụ thể.
Song song đó, Sở GTVT sẽ xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép về việc sử dụng tạm thời lòng lề đường trên toàn thành phố để người dân theo dõi, giám sát, phản ánh. Người dân hoặc cơ quan chức năng có thể vào phần mềm này để kiểm tra thông tin các vị trí lòng đường, hè phố được phép sử dụng, phương án sử dụng, mức phí và phản ánh đến cơ quan quản lý các nội dung liên quan đến hoạt động sử dụng.
Một điều đáng lưu ý là việc thu phí vỉa hè, lòng đường sẽ được nộp 100% vào ngân sách nhà nước, chủ nhà không được chia khoản phí từ việc cho thuê vỉa hè.
Bình luận (0)