Ngày 6.8, theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, trong năm học mới 2023-2024, ngành giáo dục TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh số hóa công tác quản lý đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Theo đó, sở sẽ thực hiện phần mềm theo dõi tình hình sử dụng thiết bị dạy học tại các nhà trường để kịp thời bổ sung, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho học sinh.
Cũng theo Sở GD-ĐT TP.HCM, mỗi năm học tại TP này, mỗi bậc học tăng trung bình từ 10.000 đến 15.000 học sinh. Thậm chí có năm tăng đột biến do ảnh hưởng, tác động từ quan niệm năm sinh "vàng". Chẳng hạn như năm học 2023-2024, số học sinh THCS tăng gần 40.000 đã khiến các trường THCS quá tải khi đáp ứng chỗ học cho 100% học sinh vào lớp 6.
Do vậy, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, yêu cầu: "Các địa phương tập trung đón đầu xây dựng trường học, kiên trì tham mưu với địa phương. Trưởng phòng giáo dục phải thường xuyên, kiên trì, quyết liệt tham mưu quỹ đất giáo dục trong quy hoạch chung của quận. Việc rà soát trẻ ở các độ tuổi, quy hoạch, dự báo xa là cần thiết, quan trọng để tuyển sinh đầu cấp ngày càng thuận lợi hơn".
Cũng theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến tháng 3.2023, toàn thành phố có 117 dự án giáo dục chậm tiến độ do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa duyệt kế hoạch, chưa bố trí vốn, chưa làm hồ sơ, chưa thu hồi đất, điều chỉnh dự án… Trong đó, vướng nhiều nhất là ở bậc mầm non với 36 dự án, tiểu học 49 dự án, THCS với 24 dự án. Tập trung nhiều ở TP.Thủ Đức với 23 dự án, sau đó là huyện Bình Chánh với 17 dự án, huyện Hóc Môn có 15 dự án, quận Bình Tân có 12 dự án và quận Tân Phú có 9 dự án…
Do đó, Sở GD-ĐT đề nghị các quận, huyện ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện. Trong đó, tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất (quận 7, 9, 12, Bình Tân, Gò Vấp, TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh…).
Bình luận (0)