Chuyện hy hữu ở TP.HCM: Người được ủy quyền đi làm sổ hồng bị tố chiếm luôn sổ hồng

24/06/2023 12:47 GMT+7

Trước đây, người dân bị chiếm giữ sổ hồng không khởi kiện đòi lại được, tuy nhiên với quy định mới thì chủ sổ hồng có thể khởi kiện và tòa có trách nhiệm thụ lý, xét xử.

Năm 2006, bà Nguyễn Thị Tô làm di chúc cho tặng khoảng 690 m2 tại đường Nguyễn Thị Định, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 (này là TP.Thủ Đức), cho 3 người cháu của mình, gồm: ông Nguyễn Việt Dũng, bà Nguyễn Thị Bích Liên, bà Nguyễn Thị Bích Trang.

Cuối tháng 4.2022, ông Nguyễn Việt Dũng, ủy quyền cho ông L.Đ.K (Q.10, TP.HCM) đi đăng ký biến động, tách thửa, đăng bộ sang tên đối với một phần ở thửa đất được bà Nguyễn Thị Tô cho tặng.

Sau khi ký hợp đồng ủy quyền, ông Nguyễn Việt Dũng bàn giao giấy tờ bản chính gồm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (gọi tắt là sổ hồng) của bà Nguyễn Thị Tô kèm theo hợp đồng tặng cho và tờ lệ phí trước bạ cho ông L.Đ.K. Sau khi hoàn tất việc tách thửa, ông Nguyễn Việt Dũng nhận được giấy chứng nhận phần đất mà ông được cho tặng.

Ngày 23.2.2023, ông Nguyễn Việt Dũng cùng các đồng thừa kế gồm bà Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Bích Trang đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức để nhận lại bản chính sổ hồng của bà Nguyễn Thị Tô (trong giấy chứng nhận sau khi tách thửa cho ông Nguyễn Việt Dũng, thì diện tích còn lại thuộc quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Bích Trang và bà Nguyễn Thị Bích Liên). 

Tuy nhiên, được cán bộ trả lời "Giấy chứng nhận không còn trong kho lưu trữ", từ đó bà Nguyễn Thị Bích Trang, bà Nguyễn Thị Bích Liên làm đơn tố cáo việc bị mất sổ hồng.

Sổ hồng bị chiếm giữ, có được khởi kiện? - Ảnh 1.

Pháp luật hiện nay cho phép khởi kiện để đòi lại sổ hồng bị chiếm giữ

NGÂN NGA

Giữ sổ hồng vì không biết giao cho ai!?

Bất ngờ, ngày 9.5 vừa qua, bà Nguyễn Thị Bích Trang được UBND P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức thông báo mời lên làm việc theo đơn trình báo của ông L.Đ.K. Lúc này, gia đình bà Nguyễn Thị Bích Trang mới hay người giữ bản chính sổ hồng là ông L.Đ.K.

Theo đơn của ông L.Đ.K gửi UBND P.Thạnh Mỹ Lợi, sau khi hoàn tất các công việc ủy quyền của ông Nguyễn Việt Dũng, thì sổ hồng của bà Nguyễn Thị Tô được hoàn trả lại, nhưng không còn tên ông Nguyễn Việt Dũng trong sổ hồng, nên ông không biết bàn giao sổ hồng của bà Tô cho ai là đúng người để tránh phát sinh việc khiếu nại, tranh chấp về sau.

Song, tại buổi làm việc, ông L.Đ.K không có mặt mà ủy quyền cho bà Đ.T.B.H làm đại diện. Bà H. xác nhận, ông L.Đ.K đang giữ bản chính sổ hồng nêu trên, và ông đề nghị bàn giao cho tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến sổ hồng theo đúng quy định. Do đó, phía ông L.Đ.K đề nghị UBND P.Thạnh Mỹ Lợi hỗ trợ mời đầy đủ người theo yêu cầu đến làm việc và bàn giao.

Sau buổi làm việc với đại diện của ông L.Đ.K, gia đình bà Nguyễn Thị Bích Liên cho hay đã trình báo với Công an TP.Thủ Đức, và Công an Q.10 (nơi ông L.Đ.K đang sinh sống) để được thu hồi sổ hồng, nhưng đến nay, sổ hồng này vẫn nằm trong tay ông L.Đ.K.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông L.Đ.K thừa nhận sự việc, nhưng ông K. cho hay, hiện sổ hồng ông không giữ, mà đã bàn giao và ủy quyền cho một văn phòng luật sư giải quyết các vấn đề liên quan đến sổ hồng này.

"Thời điểm làm việc với ủy ban phường, luật sư ủy quyền của tôi đã giao sổ hồng cho UBND phường và đề nghị Chủ tịch phường ký xác nhận phải chịu trách nhiệm, nhưng phường không nhận. Tôi sẵn sàng trả, nhưng phải trả cho ai, chứ tôi trả người này rồi hôm sau người kia đến đòi thì ai chịu trách nhiệm", ông L.Đ.K nói.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 24.6

Khởi kiện đòi lại sổ hồng

Đó là khẳng định của các chuyên gia pháp lý, trong việc nếu ông L.Đ.K không trả lại sổ hồng đang chiếm giữ của người khác.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Công ty luật Tri Ân, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng, nhiều người đánh giá chủ sở hữu không thể khởi kiện đòi sổ hồng, bởi theo công văn số 141 ngày 21.9.2011 của TAND tối cao hướng dẫn, thì tòa án sẽ không thụ lý buộc người chiếm giữ trả lại giấy tờ, bởi theo TAND tối cao: "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá".

Tuy nhiên, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân cho hay, công văn số 02 năm 2021 của TAND tối cao (ban hành ngày 2.8.2021) về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử, đã đề cập sự mâu thuẫn giữa công văn số 141 về việc tòa án không thụ lý giải quyết buộc người chiếm giữ giấy chứng nhận trả lại giấy tờ này; trong khi theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của bộ luật Tố tụng dân sự, thì "tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng".

Vậy, tòa án có được thụ lý giải quyết các trường hợp này không?.

Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, để giải đáp, công văn số 02 năm 2021 của TAND tối cao nêu Điều 164 của bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại".

Vì vậy, công văn 02 năm 2021 cũng khẳng định nếu có yêu cầu tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất, thì TAND sẽ thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Qua đó, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân cho hay, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Bích Trang, ông Nguyễn Việt Dũng có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết buộc ông L.Đ.K trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở cho họ.

Một lãnh đạo TAND TP.HCM cho hay, trước đây, tòa án sẽ không thụ lý giải quyết yêu cầu buộc người chiếm giữ giấy chứng nhận trả lại giấy tờ này, nhưng vị này khẳng định hiện nay TAND đã thụ lý giải quyết, theo công văn hướng dẫn số 02 năm 2021 của TAND tối cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.