Sở hữu 2 nhà trở lên sẽ bị đánh thuế?

31/10/2016 10:07 GMT+7

Trả lời báo chí một số vấn đề về kế hoạch ngân sách tài chính 5 năm sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ tính đến thuế tài sản, đặc biệt sẽ đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ hai trở lên...

Tránh đầu cơ
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, cho biết thuế tài sản là thuế mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Ví dụ, người có 2 - 3 nhà thì nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM, đây là đề xuất một sắc thuế BĐS hoàn toàn mới của Bộ Tài chính và cũng chưa công bố cách tính thuế cụ thể. Sắc thuế này nhằm đánh trên những người mua nhiều BĐS, mua không phải để ở mà để đầu tư, là một trong những biện pháp quan trọng các nước sử dụng nhằm ngăn ngừa nạn đầu cơ trên thị trường BĐS. Hiện nay thuế đất là 0,03% bảng giá nhà nước, lũy tiến cao nhất là 0,15%, được xem là quá thấp.
Cần đổi mới, điều chỉnh chung về chính sách thuế, bằng cách nâng mức thuế nhà đất tại đô thị lên cao hơn gấp 10 lần theo lộ trình, từ 0,03% hiện nay lên 0,3%. Việc đánh thuế đất lũy tiến phải tính mức mà người mua phải suy xét mức sinh lợi, được gì từ BĐS này, từ đó giá BĐS sẽ thấp, giảm tình trạng đầu cơ
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT

Hơn nữa, luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực năm 2012, nhưng mới chỉ thu thuế đất, chưa thu thuế nhà ở (do các đại biểu Quốc hội chưa thông qua, vì cho rằng việc thu thuế nhà có thể dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế). Trong khi đó, khung giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 30 - 40% giá thị trường. “Thuế nhà đất đã thấp, lại đụng tình trạng khá phổ biến là giá trên hợp đồng chuyển nhượng thường thấp hơn giá của nhà nước, khiến nhà nước thất thu thuế đất rất lớn”, ông nói.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, ủng hộ việc đánh thuế tài sản những người sở hữu nhiều nhà ở, và cho rằng hiện nay chính sách thuế đất đai ở VN vẫn còn mang nặng nhiều tư duy bao cấp, chưa điều chỉnh được thị trường BĐS.
Việc đánh thuế đất quá thấp và chậm trễ đánh thuế nhà của VN đang ngược lại với cách làm trên thế giới. Theo ông Đặng Hùng Võ, cần phải điều chỉnh lại thuế nhà đất, trong đó có nội dung đánh thuế lũy tiến đối với người có nhiều nhà nhiều đất.
Ở các nước, nguồn thu từ thuế tài sản rất lớn, với thuế nhà từ mức 1 - 1,5% được áp theo giá thị trường, là nguồn chủ yếu để phát triển hạ tầng và nâng cấp đô thị. Còn VN sử dụng khá nhiều vốn ODA và vốn ngân sách trong quá trình đô thị hóa, phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng.
Trong khi đó, dòng người đổ về các TP lớn ngày càng đông đúc, khiến chúng ta không chỉ lúng túng phát triển hạ tầng mà còn khó khăn trong phân bố lại dân cư. Đồng thời, do thuế đất quá thấp, lại hụt nguồn thu, hàng loạt loại phí được “đẻ” ra, chẳng hạn phí duy trì đường bộ.
“Có thể thấy, thuế cao thì giá nhà đất sẽ thấp, còn nếu thuế thấp thì tình trạng đầu cơ khiến giá nhà đất tăng cao. Cần phải đánh thuế cả nhà lẫn đất. Ở Mỹ, mua nhà giá rất rẻ, chỉ 1 - 2 triệu USD là có biệt thự, nhưng ở VN, giá đó chỉ có ở những biệt thự ngoại thành Hà Nội, ở trung tâm Hà Nội thì giá lên đến 3 - 4 triệu USD. Cần đổi mới, điều chỉnh chung về chính sách thuế, bằng cách nâng mức thuế nhà đất tại đô thị lên cao hơn gấp 10 lần theo lộ trình, từ 0,03% hiện nay lên 0,3%. Việc đánh thuế đất lũy tiến phải tính mức mà người mua phải suy xét mức sinh lợi, được gì từ BĐS này, từ đó giá BĐS sẽ thấp, giảm tình trạng đầu cơ”, ông Võ nói.
Ông Võ giải thích, nhiều người lấy lý do thu nhập bình quân đầu người tại VN còn thấp, nên khó tăng tỷ suất thuế nhà đất. Nhưng thu nhập thấp chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn, miền núi. Vậy nên miễn giảm thuế nhà đất cho những khu vực này.
“Khu vực đô thị nhiều tiện lợi thì phải thu ở mức cao hơn, tương xứng với giá trị nhà đất cũng như hưởng được nhiều thuận lợi trên hạ tầng cơ sở. Chẳng hạn, TP.HCM và Hà Nội đã tốn kém rất nhiều cho phát triển hạ tầng đô thị, bước ra đường là đến ngay được bệnh viện, trường học, phim “bom tấn” ra mắt là có thể đi xem ngay trong ngày khởi chiếu, lên tầng cao là xem được pháo hoa… thì họ phải chịu thuế cao hơn. Hơn nữa, đánh thuế nhà còn là công cụ để điều chỉnh phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa chứ không chỉ nhìn vào việc đóng góp vào ngân sách nhà nước bao nhiêu tiền”, ông Võ bình luận.
Hiện giá BĐS rất cao trong khi thuế thấp khiến luồng vốn xã hội thay vì được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh thì lại “tấp” vào tích trữ trong BĐS. Tình trạng đầu cơ khiến BĐS trở thành lĩnh vực thu lợi cao nhất trong các loại hình đầu tư, lấy mất nhiều cơ hội cho nền kinh tế phát triển. Còn nhiều thuế phí, phụ thu khác không hợp lý, tạo tình trạng thuế chồng thuế thì cần loại bỏ.
Thuế tài sản được kỳ vọng là sẽ chống đầu cơ bất động sản Ảnh: Đình sơn
Có khả thi ?
Theo ông Lê Hoàng Châu, một trong những điều ông băn khoăn là liệu cách tính thuế tài sản quy định dựa trên diện tích, quy mô, giá trị của BĐS có chi li cho từng trường hợp và có hợp lý?
“Thuế đánh trên căn nhà mua thứ hai sẽ khác căn nhà thứ 3, 4 như thế nào? Đề phòng đầu cơ, nhưng trường hợp trước đó người mua nhà nhỏ chỉ 30 m2, nay họ muốn mua thêm căn nhà rộng hơn cho gia đình, thì phải gồng gánh thêm thuế có hợp lý không?”, ông nói và đặt vấn đề, hệ thống dữ liệu lưu trữ đất đai hiện nay hầu như chưa có, không có sự liên thông, nên để xác định một người có 2 - 3 căn nhà là không dễ.
“Nếu mua 5 căn hộ trong một dự án thì dễ thấy, nhưng nếu mua 10 căn ở 10 dự án khác nhau thì làm sao biết? Hay một người mua một căn nhà ở TP.HCM, một căn ở Đà Nẵng, một căn ở Cà Mau… ai quản lý và kiểm soát được? Với hệ thống dữ liệu hiện nay, không dễ đánh được thuế, trong khi cũng khó có thể đòi hỏi sự tự giác của người dân”, ông Châu đặt vấn đề. Đó là chưa kể, tình trạng khá phổ biến hiện nay là một người sở hữu một căn nhà và đứng tên sở hữu, nhưng lại để cho người thân như vợ, con, cha mẹ đứng tên, thì cơ quan thuế cũng khó có căn cứ để đánh thuế.
Ông Châu lưu ý, sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường là việc nên làm, nhưng hết sức cân nhắc khi sử dụng thuế trực thu, bởi thông thường loại thuế này chỉ giải quyết tình trạng đầu cơ trong nhà đất, nhưng nó có thể khiến thị trường BĐS vừa khởi sắc chuyển nguội lạnh.
Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty kế toán Đồng Hưng, cho rằng ở góc độ người dân có thể thấy không phù hợp và tăng thêm gánh nặng. Bởi nguồn tiền họ mua, đầu tư thêm căn nhà thứ 2, 3 đa phần là nguồn tiền đã chịu thuế. “Một người góp vốn vào thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã nộp thuế. Cổ tức thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Cũng số tiền thu nhập đó, người dân gửi tiết kiệm hoặc giữ ở nhà thì không bị đánh thuế, nhưng nếu muốn đầu tư một căn nhà cho thuê thì đã phải chịu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập chuyển nhượng, thuế nhà đất. Như vậy, người dân phải chịu 2 đầu thuế, gây ra sự thuế chồng thuế, căn cứ tính thuế không đồng nhất, dễ dẫn đến sự không bình đẳng về mức thuế phải nộp giữa các đối tượng có cùng loại tài sản”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.