Số liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc có đáng tin?

16/07/2015 15:47 GMT+7

(TNO) Ngay sau khi mức tăng trưởng GDP quý 2/2015 do Trung Quốc công bố vượt dự báo của giới phân tích, cuộc tranh luận về tính chính xác của số liệu này dấy lên.

(TNO) Năm 2007, một quan chức cấp cao ở Trung Quốc cho biết số liệu GDP của nước này là “nhân tạo” và “không đáng tin”. Do đó, ngay sau khi mức tăng trưởng GDP quý 2/2015 do Trung Quốc công bố vượt dự báo của giới phân tích, cuộc tranh luận về tính chính xác của số liệu này dấy lên.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang "bạo bệnh" - Ảnh: AFP
Hôm 15.7, Trung Quốc cho hay con số tăng trưởng GDP nước này trong quý 2/2015 là 7% - đúng bằng con số được công bố hồi quý 1/2015 và ngang với mục tiêu tăng trưởng cả năm do Bắc Kinh đề ra. Bloomberg và CNN cho hay 7% vượt mức dự báo của các nhà kinh tế thế giới.
Giới phân tích cho rằng GDP Trung Quốc sẽ chỉ tăng 6,9% trong quý 2/2015 vì những bằng chứng rõ ràng về thể trạng của các ngành công nghiệp. Cuộc khảo sát giới chuyên gia do CNN thực hiện còn cho thấy Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,95% trong năm nay và 6,5% trong năm 2016.
Ngay sau thông tin trên, hãng CNN và tờ The Economist đưa tin về sự hoài nghi của giới phân tích dành cho tính xác thực của số liệu kinh tế Trung Quốc.
Theo CNN, cuộc tranh luận về tính chính xác của số liệu GDP là chủ đề ưa thích của giới quan sát nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
“Mức tăng trưởng GDP mạnh hơn dự đoán chắc chắn châm ngòi cho những câu hỏi về tính xác thực của các số liệu chính thức. Chúng tôi cho rằng con số thực thấp hơn khoảng 1 đến 2 điểm phần trăm”, Julian Evans-Pritchard thuộc hãng nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics nói.
Đa phần cuộc tranh luận nói về chỉ số giảm phát GDP, một công cụ thống kê được dùng để tính toán GDP. Không ai cáo buộc Bắc Kinh thao túng các biện pháp tính toán, nhưng một số nhà kinh tế cho rằng cách tính của Trung Quốc khiến tăng trưởng kinh tế được phóng đại. Các quan chức thống kê Trung Quốc phủ nhận điều này.
Xie, cựu kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Morgan Stanley cho rằng GDP Trung Quốc hiện tại có lẽ gần 4% hoặc 5%. Ông đề nghị xem xét các số liệu khác như tăng trưởng lương bổng, xuất khẩu, sản xuất hay tiêu thụ điện.
Còn theo tờ The Economist, Trung Quốc đã từng “làm biến dạng” các số liệu về tăng trưởng kinh tế trong quá khứ.
Đơn cử, vào năm 1998 - thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và rất nhiều nền kinh tế ở khu vực rơi vào tình trạng suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng đến 7,8%. Tuy vậy, sau khi xem xét nhiều chỉ số khác, nhiều chuyên gia kết luận con số thực tế chỉ gần 5%.
Một trường hợp khác là vào đầu những năm 2000, Trung Quốc công bố mức tăng trưởng 8 - 9%. Song một số chuyên gia thừa nhận rằng nước này thực tế tăng trưởng đến gần 10%.
Tuy vậy, The Economist cho rằng hiện nay, Trung Quốc khó có thể “làm biến dạng” số liệu như trước. Tăng trưởng GDP vừa được công bố hôm 15.7 có vẻ đáng tin.
Với quý 2/2015, những động lực tăng trưởng kinh tế đã trở nên rõ ràng hơn so với quý 1. Ngành dịch vụ tăng trưởng từ 7,9% trong quý 1/2015 lên 8,4% trong quý 2/2015. Ngành công nghiệp thì lại giảm, tăng trưởng chỉ còn 6,1%. Điều này hợp lý khi mà ngành dịch vụ đã chiếm tỷ trọng lớn hơn so với ngành công nghiệp. Mặt khác, ngành dịch vụ tài chính cũng có lợi thực sự từ bong bóng trên thị trường chứng khoán hồi tháng trước và đây là điều mà các nhà thống kê Đại lục không thể sáng tạo ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.