Giáo dục sau phổ thông (higher education) chỉ chung các chương trình, loại hình đào tạo sau khi học sinh tốt nghiệp phổ thông, trong đó tiếp tục học ĐH là một lựa chọn phổ biến trên thế giới. Bên cạnh các trường ĐH đào tạo 4 năm, hệ thống giáo dục sau phổ thông thường có thêm trường CĐ (đào tạo trong 2-3 năm) và nhiều loại hình cơ sở giáo dục khác, tùy theo mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các nước phương Tây có bao nhiêu trường ĐH?
Truyền thông quốc tế mới đây đưa tin nước Úc chính thức có thêm một ĐH mới. Đó là CĐ Thần học Úc, ngôi trường sắp đổi tên thành ĐH Thần học Úc (AUT) trong thời gian tới để phù hợp với quy định mới. Như vậy Úc sắp có 44 trường ĐH, trong đó có 38 đơn vị công lập (bao gồm ĐH Adelaide dựa trên cơ sở sáp nhập hai ĐH như Thanh Niên đã đưa tin) và 5 đơn vị tư thục (trong đó có ĐH Torrens là trường quốc tế duy nhất).
So với Úc, quốc gia gần kề là New Zealand có số lượng ĐH khiêm tốn hơn, chỉ 8 trường. Theo Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), 8 trường nêu trên đều là ĐH công lập và nước này hiện chưa có ĐH tư thục. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục sau phổ thông của nước này còn có hai loại hình khác là Học viện Kỹ thuật và Công nghệ New Zealand (đơn vị công lập gồm 16 trường thành viên) và các cơ sở đào tạo tư nhân (PTEs).
Ở bên kia bán cầu, Trung tâm Thống kê giáo dục Mỹ (NCES) hồi tháng 8.2024 cho biết tổng số cơ sở giáo dục sau phổ thông tại nước này đã giảm khoảng 2%, từ 5.918 trường xuống còn 5.819 trong năm học 2023-2024. Trong đó, có 2.691 trường ĐH, số còn lại là các trường đào tạo 2 năm (1.496) và đào tạo dưới 2 năm (1.632). Đáng chú ý, số trường ĐH công lập ở Mỹ tăng nhẹ lên 817 (1,7%), còn lại đều giảm.
Trong khi đó, Trung tâm thông tin Canada về chứng chỉ quốc tế (CICIC) trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Canada (CMEC) thông tin, nước này hiện có 236 trường ĐH, trong đó có 140 trường công lập và 96 trường tư thục (chia làm hai loại: vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận). Trong đó, có 37 nơi đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Pháp, còn lại đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Anh-Pháp.
Ở châu Âu, theo tổ chức Times Higher Education, Anh có 166 trường ĐH. Trong số đó, 24 trường công lập hàng đầu về nghiên cứu của nước này đã lập nên liên minh gọi là Russell Group, tương tự nhóm Group of Eight của Úc và Ivy League của Mỹ. Còn ở Pháp, Viện Pháp (do Bộ Ngoại giao và Phát triển quốc tế Pháp làm chủ quản) thông tin nước này hiện có hơn 3.500 cơ sở giáo dục sau phổ thông và 72 trong số đó là trường ĐH, còn lại là các trường đào tạo tiến sĩ, trường kinh doanh và quản lý, trường kiến trúc...
Số lượng các trường ĐH ở phương Đông ra sao?
Tại Hàn Quốc, theo thống kê đến tháng 11.2024 của tổ chức Statista, nước này hiện có 332 cơ sở giáo dục sau phổ thông, trong đó có 201 trường ĐH và số còn lại là các trường CĐ. Số lượng ĐH ở nước này đã giảm so với năm trước, khi thống kê năm 2023 của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy có 205 trường ĐH, được chia làm 3 loại là ĐH quốc gia, ĐH công lập của địa phương và ĐH tư thục.
Ở Nhật Bản, Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO), trực thuộc Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản (MEXT), cho biết nước này hiện có 807 trường ĐH. Trong đó, có 86 ĐH quốc gia, 101 ĐH công lập của địa phương và 620 ĐH tư thục. Ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc, số lượng trường ĐH tư thục đều chiếm đa số trong khi các trường công lập chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và thông thường rất cạnh tranh.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc vào cuối năm 2023 cho thấy, năm 2022 nước này có 3.013 cơ sở giáo dục sau phổ thông, gồm 1.239 ĐH, 32 CĐ, 1.489 CĐ chuyên khoa và 253 trường đào tạo hệ tại chức. Con số này chưa bao gồm 10 trường ĐH tại Hồng Kông, 7 trường ĐH tại Macau là những đặc khu hành chính của quốc gia này.
Tại Đài Loan, tổ chức Statista chỉ ra rằng vùng lãnh thổ này có 124 trường ĐH vào năm học 2023-2024, số lượng tương tự năm học trước đó. Trong khi đó, dữ liệu mới nhất từ trang Study in Taiwan thuộc Cơ quan Giáo dục Đài Loan cho biết điểm đến này hiện có 130 trường ĐH, gồm 46 trường quốc lập và 84 trường tư thục, chia làm hai loại là trường thiên về nghiên cứu hàn lâm và trường thiên về đào tạo kỹ thuật.
Còn ở Việt Nam, theo thống kê gần đây nhất của Bộ GD-ĐT trong năm học 2021-2022, cả nước có 242 cơ sở giáo dục ĐH, tăng 1 trường so với năm học trước, gồm 175 trường công lập và 67 trường ngoài công lập. Và tính đến nay, Việt Nam có tổng cộng 9 ĐH là ĐH Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Duy Tân (Đà Nẵng), Kinh tế TP.HCM, Quốc gia TP.HCM và mới đây nhất là Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).
Bình luận (0)