Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng: Nhiều lão thành cách mạng bác cáo buộc

28/08/2017 09:32 GMT+7

Nhiều lão thành cách mạng hoạt động cùng thời với ông Dương Ngọc Chánh đều khẳng định ông là người của tổ chức cách mạng, chứ không phải “kẻ có tội” như kết luận của chính quyền xã Mỹ Đức (H.Phù Mỹ, Bình Định).

Đóng góp nhiều công với cách mạng
Sau khi đọc bài Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng trên Báo Thanh Niên ngày 2.8, cụ Trương Thị Đổng (94 tuổi, ở thôn An Giang, xã Mỹ Đức, giữ chức Bí thư phụ nữ xã Mỹ Đức từ năm 1955) kể: Năm 1955, cụ được giao nhiệm vụ móc nối, xây dựng ông Chánh, vốn là giáo viên và làm nghề y tá tư nhân tại xã Mỹ Đức, vào tổ chức cách mạng. Tổ chức đã thống nhất phân công ông Chánh làm giáo viên cho chính quyền của địch để nắm tình hình và chủ trương của địch nhằm kịp thời báo cho tổ chức cách mạng. Từ năm 1955 - 1968, ông Chánh nhiều lần cung cấp thông tin, trị thương cho các chiến sĩ cách mạng, vận động người dân phá ấp chiến lược, cung cấp bản đồ và địa điểm đóng quân của địch cho bộ đội, đóng góp lương thực, tiếp tế thuốc kháng sinh, thuốc trị sốt rét cho cách mạng...
Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng: Nhiều lão thành cách mạng bác cáo buộc- Ảnh 1.


“Năm 1963, cán bộ cách mạng của H.Phù Mỹ tổ chức họp triển khai công tác tại rừng Châu Trúc (xã Mỹ Đức). Địch biết được thông tin này nên cũng tổ chức họp để bàn kế hoạch cho quân xuống vây bắt. Ông Chánh làm thư ký, ghi biên bản cho cuộc họp của địch nên nắm được thông tin. Họp xong đã 23 giờ đêm nhưng ông Chánh vẫn chạy đến nhà để báo cho tôi biết. Tôi liền báo cho tổ chức cách mạng giải tán cuộc họp gấp. Hôm sau, khi địch đến vây bắt thì người của ta đã rút an toàn. Nếu không có thông tin của ông Chánh thì thiệt hại cho cách mạng sẽ rất lớn”, cụ Đổng nói.
Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng: Nhiều lão thành cách mạng bác cáo buộc- Ảnh 2.

Ông Dương Ngọc Chánh Ảnh: Gia đình cung cấp

Sai lầm phải khắc phục
Chiều 27.8, ông Trương Thiên Thành, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định, cho biết ngày 9.5 Ban Tổ chức T.Ư có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định báo cáo cụ thể toàn bộ sự việc về ông Dương Ngọc Chánh, tình hình hiện nay và hướng xử lý, giải quyết của địa phương. Đầu tháng 8 vừa qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định đã có báo cáo về vụ việc này. “Hiện chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Chúng tôi vẫn tiếp tục đôn đốc các cơ quan ở địa phương thực hiện các chỉ đạo của Ban Tổ chức T.Ư chứ chưa có văn bản nào xử lý vụ việc”, ông Thành nói.
Năm 2016, ông Phan Năm (giữ chức Phó bí thư Huyện ủy Phù Mỹ từ năm 1963 - 1969, sau đó giữ chức Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ) gửi thư cho các cơ quan T.Ư, tỉnh Bình Định, H.Phù Mỹ để kể về “tội ác” của ông Dương Ngọc Chánh. Trong thư có nội dung cho rằng ông Chánh chỉ đạo đàn em tập kích trung đội du kích xã đóng tại Vạn Thiết (ở xã Mỹ Đức) vào ban đêm làm chết 3 người, trong đó có “đồng chí Có xã đội trưởng, đồng chí Thị Duyên và 1 đồng chí nữa quên tên”.
Ông Vũ Mộng Thúy (69 tuổi, ở thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu, H.Phù Mỹ - du kích xã Mỹ Đức trong những năm kháng chiến chống Mỹ) cho rằng nội dung trong văn bản nói trên là không chính xác.
“Tôi cũng có mặt trong trung đội du kích xã đóng tại Vạn Thiết khi bị địch tấn công. Ông Lê Văn Có, Xã đội trưởng xã Mỹ Đức, hy sinh trong trận này và sự việc diễn ra vào năm 1969, trong khi ông Chánh bị giết năm 1968. Còn nhân vật Thị Duyên được nhắc đến là Nguyễn Thị Duyên, cháu gọi tôi bằng cậu, thì hy sinh tháng 11.1974”, ông Thúy nói.
Theo ông Nguyễn Hồ (ở TT.Phù Mỹ, H.Phù Mỹ - tham gia cách mạng tại H.Phù Mỹ từ năm 1962), tháng 4.1989, Huyện ủy Phù Mỹ có Văn bản số 10/CV-HU với 3 con dấu và chữ ký của 3 người đứng đầu các cơ quan Huyện ủy, UBND và UB MTTQ VN H.Phù Mỹ gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị kỷ luật ông Dương Minh Trị (con trai ông Chánh) vì kêu oan cho cha là người chống phá cách mạng. Ông Hồ lúc đó giữ chức Chủ tịch UB MTTQ VN H.Phù Mỹ, cũng ký vào văn bản nói trên. Tuy nhiên, tháng 4.2017, ông Hồ đã làm đơn tự rút chữ ký của mình khỏi văn bản này.
Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng: Nhiều lão thành cách mạng bác cáo buộc- Ảnh 3.


“Sau khi biết các văn bản của Tổng cục An ninh (Bộ Công an), Ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư khẳng định ông Chánh không phải là người của địch, giấy xác nhận của ông Võ Tấn (Phó bí thư Huyện ủy Phù Mỹ từ 1955 - 1959) và một số cán bộ cách mạng đều khẳng định ông Chánh là cơ sở cách mạng, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng ông Chánh. Sự thay đổi của tôi bị một số người không đồng tình nhưng tôi vẫn kiên quyết khắc phục sai lầm của mình”, ông Hồ nói.
PV Thanh Niên nhiều lần liên lạc với ông Trần Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức, để làm rõ vụ việc ông Chánh nhưng đều bị từ chối.
Ông Lê Đình Giám, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, cho biết tháng 5.2017 Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ đã họp và đưa kết luận đề nghị Đảng ủy xã Mỹ Đức triển khai thực hiện kết luận của Ban Tổ chức T.Ư, nhưng Đảng ủy xã Mỹ Đức vẫn chưa thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.