Số người học nghề ngày càng tăng

10/01/2019 16:37 GMT+7

Năm 2018, TP.HCM có 482.699 người học nghề, trong khi chỉ tiêu đề ta là 461.000 người, đạt tỷ lệ 104,71%.

Đó là số liệu do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vừa công bố khi sơ kết 3 năm chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố giai đoạn 2016 - 2018 nằm trong Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 do UBND TP.HCM đề ra.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết: “Quy mô tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố duy trì được sự phát triển theo từng năm do thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền và thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên. Cụ thể, năm 2016 đã tuyển sinh được 402.133 người học/402.000 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ: 100,03%; năm 2017 tuyển sinh được 462.908 người học/461.000 chỉ tiêu, đạt 100,24%; năm 2018 là 482.699 người học/461.000 chỉ tiêu, đạt 104,71%.


Về tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề, chỉ tiêu đặt ra là đạt 85% trong tổng số lao động đang làm việc, với chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn của Cộng đồng kinh tế ASEAN, thì đến năm 2018 đã đạt được tỷ lệ 81,81%, trong đó, cụ thể 3.659.452 lao động đang làm việc đã qua đào tạo trên tổng số 4.473.118 lao động.

UBND TP.HCM cũng đề ra chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố phải đạt từ 85% - 90%. Theo ông Lâm, đến nay tỷ lệ này là 82,46%, cụ thể 3.017.584 lao động đã qua đào tạo đang làm việc trong lĩnh vực trọng yếu trên tổng số 3.659.452 lao động đang làm việc.

Tuy nhiên, ông Lâm nêu ra những khó khăn đối với công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Đó là công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa thực hiện hiệu quả. Tâm lý xã hội còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp nên vẫn còn hướng con em vào học giáo dục đại học sau khi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, giáo dục ĐH “mở” hết cỡ bằng cách xét tuyển học bạ cũng là một trong những nguyên nhân..

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, thí điểm tổ chức đào tạo trình độ CĐ cho sinh viên, học sinh các ngành kỹ thuật, du lịch, điều dưỡng, xây dựng theo chương trình chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế để phục vụ chuyển dịch lao động”, ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.