Thực hiện đấu giá lại từ đầu
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho biết tiếp theo các bên cần có sự thỏa thuận hủy kết quả đấu giá bằng văn bản. Trong trường hợp này là thỏa thuận giữa Công ty Ngôi Sao Việt, Trung tâm quỹ đất (Sở TN-MT TP.HCM) và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP). Sau khi hủy kết quả, nếu các bên có lỗi gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định. Nếu hết thời hạn 90 ngày nhưng không có văn bản thống nhất chấm dứt hợp đồng đấu giá giữa các bên, doanh nghiệp (DN) cũng không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền đấu giá thì mới vi phạm hợp đồng, phải chịu mất tiền cọc và chịu phạt (nếu có).
Giả sử đợt bán đấu giá sau này thấp hơn giá mà Tân Hoàng Minh đã đưa ra thì cũng bình thường vì bản thân Tân Hoàng Minh thừa nhận giá họ đưa ra là quá cao nên đã xin dừng lại. TP.HCM sẽ không thiệt hại gì vì đấu giá đất là sẽ bán theo giá thị trường
Trường hợp này, phiên đấu giá đã chấm dứt, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND TP cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá. Số tiền đặt trước giờ đã chuyển thành tiền cọc và nếu đơn vị trúng đấu giá không tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ tiếp theo thì xem như họ bỏ cọc, mất số tiền này. Lô đất trên trở lại là đất công thuộc quyền quản lý của nhà nước. “Tóm lại, đến giờ phút này lô đất ở Thủ Thiêm vẫn đang thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, theo đúng kết quả phiên đấu giá đã được công nhận vào ngày 10.12.2021. Sau khi đơn vị này chính thức hủy hợp đồng, TP.HCM sẽ làm lại hồ sơ để thực hiện đấu giá lại từ đầu”, luật sư Đức phân tích.
Các lô đất ở Thủ Thiêm được đấu giá “khủng” vào ngày 10.12.2021 |
Ngọc Dương |
Tân Hoàng Minh “quay xe”, lô đất Thủ Thiêm sẽ về tay ai? |
Trước đó, phiên đấu giá công khai 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 10.12.2021 có 21 DN bất động sản trong nước và nước ngoài tham gia. Lô đất 3-12, khu chức năng số 3 có diện tích hơn 10.000 m2 có sự so kè quyết liệt khi có đến 70 lượt trả giá trước khi nhà đầu tư cuối cùng chốt giá thành công. Ở lượt trả giá thứ 69, đại diện CapitaL One Financial đưa ra mức 23.800 tỉ đồng, thấp hơn 700 tỉ đồng so với mức giá mà Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá. Tuy nhiên, ngày 11.1 qua, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, chính thức xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua lô đất trúng đấu giá tại Thủ Thiêm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết đa số các DN đều nhận định lô đất này chỉ có giá gấp 2 - 3 lần mức khởi điểm là hợp lý (giá khởi điểm mà TP.HCM công bố là 2.942 tỉ đồng, nếu gấp 3 lần là sẽ lên gần 9.000 tỉ đồng). “Giả sử đợt bán đấu giá sau này thấp hơn giá mà Tân Hoàng Minh đã đưa ra thì cũng bình thường vì bản thân Tân Hoàng Minh thừa nhận giá họ đưa ra là quá cao nên đã xin dừng lại. TP.HCM sẽ không thiệt hại gì vì đấu giá đất là sẽ bán theo giá thị trường”, ông Châu nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng sự thành công của TP.HCM không phải ở việc thu giá tiền quá cao mà là tạo ra sự minh bạch, công bằng trong việc giao đất cho nhà đầu tư để phát triển dự án. Hơn nữa, mức giá khởi điểm của lô đất đã được các sở ban ngành định giá trên cơ sở tham khảo thị trường. Vì vậy, kết quả trên mức khởi điểm là thành công. Nếu như bán với giá cao mà nhà đầu tư “ngâm” nhiều năm không thực hiện thì sẽ có hại hơn cho việc phát triển khu vực Thủ Thiêm nói riêng và kinh tế của TP nói chung. Việc lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, trình độ để thực hiện dự án sau khi được giao đất mới là thành công của TP.HCM trong việc tổ chức đấu giá các lô đất công.
Nên đấu giá đất theo 2 giai đoạn
Để thực hiện đấu giá đất ở Thủ Thiêm nói riêng và các dự án đất công nói chung, tránh tình trạng DN tham gia đấu giá xong lại bỏ cọc, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng các sở ban ngành phải đưa ra quy định chi tiết như lô đất đó dùng để làm gì. Ví dụ, làm thương mại hay xây trường học, xây bao nhiêu tầng, thời gian thực hiện bao lâu và kèm theo yêu cầu chứng minh về tài chính để đảm bảo thực hiện dự án sau khi được giao đất... Việc quy định chi tiết sẽ giúp các nhà đầu tư tính toán được mức đầu tư, sinh lời để tham gia đấu giá nhằm tránh tình trạng bỏ giá cao ngoài dự đoán rồi lại không có tiền thực hiện. Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ lựa chọn được những đơn vị có trình độ, năng lực để phát triển dự án theo đúng quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực Thủ Thiêm nói riêng và TP.HCM nói chung.
Còn ông Lê Hoàng Châu đề xuất không nên áp dụng phương pháp đấu giá trực tiếp, bỏ giá bằng miệng như vừa qua. Thay vào đó, nhà nước cần xem xét điều chỉnh luật Đấu giá tài sản 2016. Trong đó, quy định đấu giá đất để làm dự án bất động sản theo phương pháp 2 giai đoạn hoặc đấu thầu 2 túi hồ sơ.
Ở giai đoạn 1, ban tổ chức có thể thông báo nhận hồ sơ tham gia là báo cáo nghiên cứu khả thi, bao gồm cả thiết kế kiến trúc, quy hoạch, tiến độ thực hiện... rất chi tiết. Ban tổ chức sẽ có hội đồng chấm điểm trên các hồ sơ và lựa chọn những nhà đầu tư cao điểm hay gần ngang nhau.
Ví dụ, trong đợt đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua có từ 8 - 21 đơn vị tham gia thì sẽ lựa chọn lại còn 5 - 6 hồ sơ. Sau đó phát thông báo để các nhà đầu tư được lựa chọn vào tham gia đấu giá giai đoạn 2. Khi đó sẽ áp dụng đấu giá theo quy định là bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, hoặc có thể bỏ phiếu gián tiếp tại cuộc đấu giá rồi mở phiếu công khai và công bố xác nhận người trúng đấu giá.
Hiện Cục Thuế TP.HCM vẫn chưa nhận được công văn chính thức về việc công ty trúng đấu giá lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm đơn phương chấm dứt hợp đồng trúng đấu giá.
Chính vì vậy, thông báo thuế mà cơ quan này ban hành trước đó vẫn chưa xử lý thu hồi, khi nào UBND TP.HCM có quyết định chính thức về việc hủy công nhận kết quả trúng đấu giá, cơ quan thuế sẽ thu hồi thông báo nộp tiền sử dụng đất của đơn vị trúng đấu giá đất.
Trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất đối với 4 công ty trúng đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Trong đó, Công ty TNHH bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh), đơn vị trúng đấu giá lô 3-12 có diện tích hơn 10.000 m2, sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước 24.500 tỉ đồng.
Công ty TNHH thương mại Bình Minh, đơn vị trúng đấu giá lô 3-9 có diện tích hơn 5.000 m2, sẽ phải nộp vào ngân sách 5.026 tỉ đồng. Công ty cổ phần Sheen Mega, đơn vị trúng lô đất 3-8 có diện tích 8.500 m2 sẽ phải nộp ngân sách 4.000 tỉ đồng. Công ty CP Dream Republic, đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-5 có diện tích hơn 6.446 m2 sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước 3.820 tỉ đồng.
Thanh Xuân
Bình luận (0)