Sở Tài chính Hà Nội lý giải việc chuẩn bị tăng giá nước sạch sinh hoạt

27/06/2023 21:47 GMT+7

Theo Sở Tài chính Hà Nội, những năm gần đây, thành phố đang chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang khai thác nguồn nước mặt để sản xuất nước sạch đảm bảo chất lượng cung ứng cho người dân. Tuy nhiên, 10 năm qua, giá nước sạch chưa tăng khiến quá trình thu hút nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn…

Hiện, hầu hết các nhà máy nước ngầm của thành phố đều được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao. Các nhà máy này đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch.

Sở Tài chính Hà Nội lý giải việc chuẩn bị tăng giá nước sạch sinh hoạt - Ảnh 1.

Hình ảnh người dân Hà Nội đi đong nước để sinh hoạt vì nguồn cung cấp nước sạch gặp sự cố

ĐÌNH HUY

Đối với các nhà máy nước mặt đang vận hành, do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; đồng thời gặp khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.

Cũng theo Sở Tài chính Hà Nội, với giá nước như hiện nay, các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế (QCVN01-1:2018/BYT).

Hà Nội đã kêu gọi thu hút được 23 nhà đầu tư tư nhân triển khai 39 dự án cấp nước, gồm cả dự án nguồn nước và mạng lưới. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp không thực hiện dự án hoặc triển khai rồi nhưng chậm tiến độ. Điều này xuất phát từ áp lực chi phí vốn do giá nước hiện hành chỉ "đáp ứng được chi phí thiết yếu tối thiểu để vận hành nhà máy, chưa thu hồi được vốn đầu tư, chưa có lợi nhuận".

"Nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời thì các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, do không có nguồn lực tài chính để vận hành nhà máy, dẫn đến không đảm bảo an ninh cấp nước cho thành phố", Sở Tài chính Hà Nội nêu rõ.

Liên quan đến phương án tăng giá nước sạch từ ngày 1.7 và lộ trình tăng giá nước sạch từ ngày 1.1.2024, Sở Tài chính Hà Nội nhìn nhận khi điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt thì các đơn vị cấp nước có nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng công suất sản xuất nước sạch.

Điều này cũng đồng thời thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các dự án, đảm bảo sản lượng nước được cung ứng đầy đủ, liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Theo tính toán, với mức tăng dự kiến, trung bình các hộ tại khu vực nội thành sử dụng từ 10 - 16 m3/tháng sẽ phải chi trả thêm tiền nước sạch từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng/hộ. Với các hộ ở nông thôn sử dụng từ 6 - 8 m3/tháng, số tiền phải chi thêm là từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ. Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Mới đây, Sở Tài chính Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP.Hà Nội về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn.

Theo tờ trình, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên (hộ/tháng) được đề xuất tăng từ 5.973 đồng/m3 (giá hiện tại) lên 7.500 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm và tăng lên 8.500 đồng/m3 từ năm 2024.

Tương ứng với phương án điều chỉnh này, mức giá cao nhất nếu sử dụng trên 30 m3/hộ/tháng trong 6 tháng cuối năm là 24.000 đồng/m3; mức giá cao nhất trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.