Sổ tay: Mùa dịch đã căng lại còn quá nhiều phim kinh dị

02/08/2021 06:05 GMT+7

Những ngày cách ly xã hội rất cần các chương trình giải trí hấp dẫn, mang lại thông điệp tươi vui, lạc quan. Thế nhưng, mấy tháng qua và hiện tại, khi muốn xem phim giải trí trên các đài truyền hình cáp hay dịch vụ xem phim trực tuyến, khán giả lại được 'chiêu đãi' hàng loạt phim kinh dị rùng rợn, xác sống đủ thể loại, khiến không ít người 'ớn lạnh'.

Dẫu biết rằng xem hay không một chương trình, bộ phim là quyền lựa chọn của mỗi người nhưng việc chiếu quá nhiều phim kinh dị với lịch phát sóng dày đặc trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, e rằng khán giả không chọn cũng buộc phải xem nếu muốn mở ti vi. Không ít khán giả phản ánh điều này ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, đặc biệt đối với đối tượng là người xem nhiều thế hệ trong gia đình gồm ông bà, cha mẹ, con cái nhỏ.
Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), hiện có 70 kênh truyền hình nước ngoài đã được cấp phép biên tập để cung cấp trên hệ thống dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền của Việt Nam. Theo đó, nhóm kênh Giải trí tổng hợp đang có số lượng nhiều nhất với 22 kênh (chiếm 31,4%), tiếp đến là nhóm Phim truyện có 17 kênh (chiếm 24,3%). Các kênh chuyên chiếu phim truyện sẽ phát sóng đa dạng hàng trăm nghìn bộ phim điện ảnh đủ thể loại từ nhiều nước sản xuất. Chẳng hạn HBO sẽ chiếu hầu hết các bộ phim điện ảnh nổi tiếng cũ hoặc mới nhất của Hollywood, phim truyền hình nhiều tập do HBO Mỹ và HBO châu Á sản xuất. Các kênh truyền hình cáp hiện được 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền như SCTV, FPT, HTV-TMS, Hanoicab… làm “đại lý”, rồi phân phối cho 36 nhà cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền khác như VTV Cab, SCTV, HTVC, Viettel, FPT, K+, VTC, MyTV... truyền dẫn, phát sóng. Đương nhiên, ai cũng biết các đài cáp đang chiếu tại Việt Nam này đều phải được cấp phép biên tập trước khi chiếu, như theo quy định tại điều 19 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18.1.2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Có thể nói, bên cạnh các kênh chương trình trong nước, việc các nhà cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền truyền dẫn, phát sóng các kênh chương trình nước ngoài trên hệ thống đã góp phần đa dạng hóa nội dung, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, việc chiếu phim kinh dị với thời lượng quá nhiều như hiện nay trên các đài truyền hình cáp cho thấy việc thiếu kiểm soát và đúng là “cái gì quá cũng không tốt”. Nên chăng các nhà đài cần phải cân nhắc liều lượng, hạn chế chiếu quá nhiều phim kinh dị, xác sống, giật gân trong mùa dịch để bớt gây cảm giác sợ hãi hay “hù dọa” người xem, và có sự biên tập kỹ, chọn lựa chiếu những phim có nội dung tươi tắn, sáng sủa hơn. Những bộ phim có câu chuyện tốt lành chính là liều thuốc hỗ trợ về tinh thần, giúp người dân vượt qua dịch bệnh đang căng thẳng lúc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.