Sở Y tế TP.HCM triển khai thí điểm 'cấp cứu trầm cảm'

22/07/2022 11:11 GMT+7

Đối với người bị trầm cảm, đặc biệt là thể nặng thì việc tìm đến cái chết gần như là kết cục có thể đoán trước được. Do đó, "cấp cứu trầm cảm" ngoại viện một hoạt động thiết thực cần được triển khai.

Ngày 22.7, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế triển khai thử nghiệm “cấp cứu trầm cảm” ngoại viện do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đảm trách.

Sở Y tế TP.HCM triển khai thí điểm 'cấp cứu trầm cảm'

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, một thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 – số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc số 19001267 - số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm thần.

Tổng đài 115 TP.HCM

NHẬT THỊNH

Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên y tế trực tổng đài sẽ hỏi một số câu hỏi sàng lọc và sẽ báo tin khẩn cấp đến đội cấp cứu 115. Nhận được tin, đội cấp cứu ngoại viện 115 sẽ tiếp cận hiện trường để thuyết phục và đưa người bệnh đến Bệnh viện Tâm thần để được chăm sóc và điều trị. Khi tình trạng rối loạn tâm thần thuyên giảm, người bệnh sẽ được chuyển về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng.

Giúp giải quyết ngay nhu cầu về tâm lý - tâm thần

Song song đó, Sở Y tế TP cũng sẽ triển khai chương trình nâng cao năng lực của các cơ sở y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh tâm thần, đảm bảo hỗ trợ tư vấn, chăm sóc và nâng đỡ tinh thần từ xa và mang nguyên lý “cấp cứu trầm cảm”.

Theo đó, Sở Y tế lập mạng lưới hệ thống “cấp cứu trầm cảm”, hỗ trợ tâm thần khẩn cấp, đào tạo chuyên viên các đơn vị để có khả năng xử trí cấp cứu các vấn đề sức khỏe tâm thần. Hỗ trợ khám sàng lọc, tư vấn từ xa giúp giải quyết ngay nhu cầu liên quan tâm lý - tâm thần của người bệnh, thông qua hệ thống kênh tổng đài và đường dây nóng. Cập nhật kiến thức, đào tạo nguồn lực nhân viên y tế, cộng tác viên điều trị tâm lý tại tuyến cơ sở, nhận dạng các thách thức về sức khỏe tinh thần, kỹ năng cải thiện sức khỏe tinh thần của chính mình thông qua hoạt động tự chăm sóc và khả năng sàng lọc, cấp cứu và chuyển gửi các trường hợp người có vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Bên cạnh đó còn triển khai các giải pháp chăm sóc và nâng đỡ tinh thần cho người trầm cảm bằng các biện pháp tư vấn dinh dưỡng, chế độ luyện tập và kết hợp các phương pháp y học hiện đại và cổ truyền.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, “Cấp cứu trầm cảm” ngoại viện là một hoạt động mới được triển khai xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, đặc biệt là giai đoạn sau Covid-19. Đối với người bị trầm cảm, đặc biệt là thể nặng thì việc tìm đến cái chết gần như là kết cục có thể đoán trước được.

Do đó, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tự sát và kịp thời gọi đội cấp cứu đến hỗ trợ trở thành một hoạt động thiết thực cần được triển khai. Xuất phát từ yêu cầu này, Sở Y tế TP.HCM đã gặp gỡ và đặt vấn đề với các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên khoa tâm thần và cấp cứu ngoài bệnh viện, tất cả các chuyên gia đều có đồng quan điểm về sự cần thiết khi ngành y tế triển khai thêm hoạt động “cấp cứu trầm cảm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.