Sở Y tế TP.HCM kiến nghị thanh tra, kiểm toán cần xét đến bối cảnh dịch Covid-19

30/12/2022 12:35 GMT+7

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM kiến nghị khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 , cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội.

Sáng 30.12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo với đoàn giám sát

DUY TÍNH

Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ năm 2020 đến ngày 30.10.2022, tổng nguồn lực huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Y tế là 12.750 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế trên 3.461 tỉ đồng; cấp cho điều trị Covid-19 trên 133 tỉ đồng; cấp để xét nghiệm 1.577 tỉ đồng; kinh phí thực hiện cách ly y tế tập trung 341 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi chế độ, phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch 324 tỉ đồng; công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch 2.420 tỉ đồng…

Ngoài ra, ngành y tế còn quản lý, sử dụng các nguồn lực bằng hiện vật quy đổi tương đương tiền như: trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu và kinh phí khác 1.871 tỉ đồng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19; việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của luật Đấu thầu và thực hiện tiết kiệm, hiệu quả trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế.

Tuy nhiên, việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế trong thời gian dịch bệnh gặp nhiều khó khăn như hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh...

Do giãn cách xã hội, nhiều mặt hàng, dịch vụ chỉ có 1 - 2 nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể có đủ 3 báo giá theo quy định; việc đi lại rất phức tạp. Thời điểm dịch bệnh, các đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối, không nhận thực hiện dịch vụ.

Ngoài ra, giá cả biến động rất nhanh, khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm, giá cả đã giảm. Các báo giá, thẩm định giá không còn phù hợp cho việc thực hiện quy trình mua sắm tiếp theo.

Công tác nhập khẩu và các điều kiện thương mại cũng gặp khó, hàng hóa khan hiếm trên thị trường, có đơn vị tổ chức đấu thầu nhưng không có nhà thầu nào tham gia.

Một số chủng loại trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có tính đặc thù, không thông dụng, có những thiết bị chưa từng sử dụng, khó khăn trong việc xây dựng cấu hình, thông số kỹ thuật. Các đơn vị phải tham khảo từ chuyên gia tuyến trên, hãng sản xuất, việc tìm hiểu thông tin về thiết bị của nhiều nhà cung cấp khác nhau là rất khó.

Việc thực hiện các văn bản quy định về mua sắm cũng gặp trở ngại, dẫn đến việc chậm muộn hoặc có những trang thiết bị không thể mua.

Mua sắm chống dịch Covid-19 tại TP.HCM: Hàng ngàn lọ thuốc chưa dùng đến

Báo cáo thêm, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng, việc mua hàng trong thời điểm chống dịch Covid-19 không phải lúc nào cũng có được, nhưng phải đảm bảo 24 giờ phải có để chống dịch.

Trong nhiều kiến nghị, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.