Tiếp nối hội nghị Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ, ngày 24.9 Sở Y tế TP.HCM tổ chức tập huấn chuyên đề An toàn người bệnh trong thẩm mỹ nội khoa.
Khóa tập huấn có sự tham gia của hơn 250 bác sĩ của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập và ngoài công lập, các bác sĩ của các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa có làm các dịch vụ thẩm mỹ tại TP.HCM.
Tại buổi tập huấn, các học viên được cập nhật kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa, nhất là các giải pháp giúp đảm bảo an toàn người bệnh, hạn chế thấp nhất sự cố, tai biến y khoa.
Các giảng viên trình bày những nguyên tắc giúp đảm bảo an toàn trong thực hành lâm sàng, yêu cầu chỉ sử dụng các sản phẩm đã được cấp phép bởi cơ quan y tế, có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, các giảng viên còn nhấn mạnh việc tuân thủ quy trình kỹ thuật và đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn khi phẫu thuật.
Ngoài ra, các giảng viên còn trình bày hướng tiếp cận và xử trí các trường hợp sự cố y khoa có thể gặp phải, tư vấn chi tiết cho người sử dụng dịch vụ về lợi ích, rủi ro và chăm sóc sau các thủ thuật thẩm mỹ để giảm thiểu biến chứng có thể xảy ra.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP.HCM có 3 trường hợp tử vong liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ.
Cụ thể, vào tháng 3.2024 một nữ bệnh nhân 70 tuổi đã tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn.
Tháng 5.2024, một nữ Việt kiều Mỹ tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Tân Hưng.
Vào tháng 6.2024, một nữ bệnh nhân tử vong đi phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi tại Thẩm mỹ viện TIH (P.Bến Nghé, Q.1) rồi tử vong.
Cũng trong năm nay, có 2 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM bị Sở Y tế TP.HCM buộc tạm ngưng hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ vì không đảm bảo an toàn người bệnh để kiểm tra, chấn chỉnh. Đó là Bệnh viện Răng hàm mặt thẩm mỹ Paris và Bệnh viện thẩm mỹ Sao Hàn.
Trong tháng 8.2024, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế. Tổng số tiền xử phạt hơn 2,75 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều cá nhân là bác sĩ, điều dưỡng bị xử phạt khi khám chữa bệnh mà chưa có chứng chỉ hành nghề.
Trước những sai phạm và sự cố y khoa liên quan đến thẩm mỹ, ngành y tế TP.HCM triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp giúp chủ động phát hiện các sai phạm và hạn chế thấp nhất sự cố y khoa liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, siết chặt đảm bảo tuân thủ nghiêm những quy định trong hành nghề thẩm mỹ; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, công khai minh bạch thông tin các cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật; chuẩn hóa các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật của chuyên khoa thẩm mỹ; kiến nghị Bộ Y tế bổ sung những quy định pháp luật trong việc kiểm soát chặt các sản phẩm; tạo lập dữ liệu số trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực thẩm mỹ.
Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng xác định 6 nhóm giải pháp để quản lý hoạt động "thẩm mỹ chui".
Bình luận (0)