Theo đó, ngày 27.6, nữ bệnh nhân H.T.Y.L. (27 tuổi, ngụ Cà Mau) đến 1 khách sạn ở đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10 (TP.HCM) để làm thẩm mỹ nâng ngực (tiêm dung dịch nâng ngực). Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có tiêm 2 bên ngực lignospan màu đỏ (thuốc gây tê - PV).
Lúc 10 giờ 30 cùng ngày, bệnh nhân thẩm mỹ nâng ngực được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (Q.10) trong tình trạng tím tái, sùi bọt mép, mạch và huyết áp không đo được.
Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh tiến hành các biện pháp cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân mất lúc 12 giờ 38 ngày 27.6. Chẩn đoán tử vong ngưng tim, tử vong do ngộ độc thuốc tê - sốc phản vệ.
Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tiêm nâng ngực tử vong đã được Cơ quan CSĐT Công an Q.10 đã niêm phong và thụ lý điều tra.
Thẩm mỹ 'chui' đang là thách thức
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, thẩm mỹ "chui" trên địa bàn TP.HCM không phải là vấn đề mới nhưng đã trở thành một hiện tượng thách thức với các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều đáng lo ngại là hoạt động thẩm mỹ chui đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ…
Thẩm mỹ "chui" còn được những người không có chứng chỉ hành nghề lén lút thực hiện và đã gây ra những tai biến, thậm chí gây tử vong cho người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong thời gian sắp tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo nhằm thống nhất các giải pháp mang tính đồng bộ và quyết liệt hơn nữa, đồng thời trình UBND TP.HCM phê duyệt nhằm sớm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ y tế, thẩm mỹ khi chưa được cấp giấy phép hoạt động, gây tai biến y khoa đặc biệt dẫn đến tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, Sở Y tế TP.HCM cương quyết xử lý nghiêm đúng theo quy định pháp luật và công khai kết quả xử lý.
Xem nhanh 12h ngày 29.6: Bản tin thời sự toàn cảnh
Nhiều giải pháp quản lý
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ và xử lý nghiêm các cơ sở không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn, chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định,
Cụ thể, tăng cường sự phối hợp giữa các sở ngành, chính quyền địa phương các cấp trong các hoạt động thông tin, nhận thức, ngăn ngừa và phát hiện sớm các hoạt động thẩm mỹ không phép trên địa bàn.
Tăng cường quản lý tại các khách sạn, khu dân cư… nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng liên quan hoạt động thẩm mỹ không phép. Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất sớm đưa vào hoạt động (sau giai đoạn thí điểm) phần mềm khai báo lưu trú theo quy định của luật Cư trú (phần mềm ASM) tại các khách sạn, căn hộ cho thuê…
Xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân nhằm tạo ra môi trường hỗ trợ từ cộng đồng, kịp thời phát hiện và báo cáo các dấu hiệu nghi ngờ có hoạt động thẩm mỹ trái phép tại các khách sạn, nhà trọ... Khuyến khích người dân, người lao động tại các khách sạn, nhà trọ khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ thì cung cấp thông tin, phản ánh về các hoạt động đáng ngờ cho các cơ quan chức năng.
Sở Y tế TP.HCM đã mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân thông qua số đường dây nóng Sở Y tế (0967771010, 0989401155) hoặc ứng dụng "Y tế trực tuyến" trên điện thoại thông minh.
Dùng AI kiểm soát quảng cáo thẩm mỹ 'chui'
Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Sở KH-CN, Sở TT-TT và các sở liên quan nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo… để nhận diện, phân loại và sàng lọc các nội dung quảng cáo liên quan đến hoạt động thẩm mỹ chưa được cấp phép.
Sở Y tế cũng tiếp tục phát huy các kênh báo cáo nhanh từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM về việc tiếp nhận những trường hợp cấp cứu có liên quan đến tai biến trong y khoa được chuyển đến.
Bình luận (0)